Yếu tố nào để ngành cao su gia tăng thị phần xuất khẩu? 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tăng 11% về lượng |
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 599,43 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 8,9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 5/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 67,2% tổng lượng cao su xuất khẩu.
Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên |
Các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên tại nước này. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 5/2022 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, năm 2021, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 70% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu. Chủng loại cao su thiên nhiên xuất khẩu từ Việt Nam tương đối đa dạng, trong đó cao su hỗn hợp đóng vai trò chủ đạo, chiếm gần 63% trong tổng lượng xuất khẩu.
Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - nhận định, sự dễ tính từ thị trường Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc khu vực tư nhân, chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng.
Trong khi đó, khâu xuất khẩu các sản phẩm cao su được chế biến sâu với hàm lượng giá trị gia tăng cao chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Một trong những lý do có thể là bởi các doanh nghiệp tư nhân và FDI có sức ép hơn về cạnh tranh từ thị trường và người tiêu dùng.
Phát triển liên kết, gia tăng giá trị
Cao su tiểu điền ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung cao su thiên nhiên tại Việt Nam. Trong bối cảnh xu hướng của thị trường đó là các sản phẩm bền vững, hợp pháp và có thể truy xuất nguồn gốc thì mô hình liên kết các hộ tiểu điền - công ty chế biến có tiềm năng mở rộng, và để xây dựng chứng chỉ nhóm cho nguồn cao su tiểu điền bền vững (VFCS/FSC/PEFC) sẽ giúp gia tăng giá trị cao su Việt Nam. Tuy nhiên, việc này không dễ.
Báo cáo về Liên kết giữa công ty cao su và các hộ tiểu điền trong sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam: Thực trạng và khó khăn, do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam công bố mới đây cho hay, thực trạng nguồn cung cao su của Việt Nam cho thấy 60% lượng cao su đến từ các hộ nông dân hay còn gọi là tiểu điền. Có 3 mô hình liên kết sản xuất/tiêu thụ cao su tiểu điền gồm: Hộ tiểu điền - công ty chế biến; nhóm hộ tiểu điền - công ty chế biến; Hộ tiểu điền - thu gom - công ty chế biến.
Chia sẻ về những khó khăn của mô hình liên kết công ty và hộ tiểu điền, ông Nguyễn Vinh Quang - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - nhận định, việc này xuất phát từ 2 phía. Từ phía hộ tiểu điền, do quy mô sản xuất nhỏ, giao dịch tiêu thụ mủ qua thương lái/trung gian vẫn chiếm đa số. Các hộ luôn ở thế yếu trong đàm phán giá bán mủ. Mặt khác, họ cũng dễ dàng phá vỡ cam kết, bán mủ cho bên thu mua khác khi có mức giá cao hơn. Nguồn cung giống đa dạng, chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc này cũng gây khó khăn và rủi ro cho hộ tiểu điền khi tự đầu tư. Việc ghi chép, lưu trữ thông tin; tuân thủ và thông tin về môi trường, xã hội, thuế, phí,... khá hạn chế.
Nhiều hộ còn “hoà trộn” nguồn mủ từ nguồn khác, không rõ ràng về nguồn gốc. Đáng chú ý, sản xuất cao su bền vững chưa nhận được sự quan tâm của các hộ tiểu điền. Năng lực, nguồn lực hạn chế, khó đáp ứng các tiêu chí bền vững.
Từ phía nhà máy chế biến, ông Nguyễn Vinh Quang nhận định, hiện các nhà máy đặt ưu tiên thu mua mủ từ nguồn cung lớn như hộ có diện tích lớn, mua qua đại lý thu gom, nhập khẩu và đặt mình ở vị thế “tay trên” trong việc quyết định giá thu mua mủ. Mặt khác, giá mủ nhiều biến động, phụ thuộc thị trường thế giới.
Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm làm liên kết với các hộ tiểu điền, Ths. Phan Đỗ Trọng Nhân - Quản lý thu mua - Trưởng ban FSC - Công ty TNHH Sản xuất cao su Liên Anh - cho hay, hiểu rõ được việc muốn sản xuất được sản phẩm FSC 100% thì ngoài việc đã được cấp chứng nhận FSC-COC, thì điều quan trọng công ty phải được cấp chứng nhận FSC-FM để thu mua mủ nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững để sản xuất, công ty đã thành lập Ban FSC, trực tiếp nhận chỉ đạo các vấn đề thủ tục cần thiết để có được chứng nhận FSC-FM cho 600 ha và chia ra 3 giai đoạn từ nay đến tháng 5/2023 và dự kiến đến hết năm 2027 sẽ nâng con số này lên là 7.000 ha.
Tuy nhiên, theo ông Phan Đỗ Trọng Nhân, doanh nghiệp cũng đối mặt với một số khó khăn như nhà vườn vẫn chưa hiểu về FSC, mất nhiều thời gian để liên kết và giải thích cho nhà vườn, chi phí để thực hiện cấp chứng chỉ nhiều và cao. Rất nhiều nhà vườn không chịu bỏ ra 10% diện tích rừng để bảo tồn vì ảnh hưởng đến kinh tế của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải cạnh tranh về giá nguyên liệu cao với các doanh nghiệp khác…
Về phía hộ trồng cao su, ông Nguyễn Chính Phương - chủ nhà vườn 150 ha trồng cao su (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) - đánh giá, liên kết giúp các hộ trồng cao su có đầu ra ổn định. Hiệu quả thu được từ mô hình liên kết, chúng tôi sẽ tham gia dự án FSC nếu doanh nghiệp triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều ông Phương vẫn còn băn khoăn đó là quy định FSC đòi hỏi người trồng phải để lại 10% diện tích rừng bảo tồn, việc này làm giảm 10% doanh thu của những hộ trồng cao su như ông. Nếu có chính sách giá thỏa đáng thì sẽ giúp hộ tiểu điền như ông Phương yên tâm hơn trong việc “bắt tay” liên kết.
Xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm đã thúc đẩy những thay đổi trong ngành cao su Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng cao hơn với giá cả cạnh tranh. Vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức nhằm phát triển bền vững ngành cao su, về phía các doanh nghiệp cần xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.