Tỉnh Phú Thọ dành nhiều nguồn lực hỗ trợ phát triển cây chè Nông dân vùng cao Bắc Hà giảm nghèo bền vững từ cây chè Shan tuyết |
Sở Công Thương Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu doanh nghiệp chế biến, sản xuất chè trên địa bàn tỉnh thực thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè.
Doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến (Ảnh minh họa) |
Trước đó, tại Công điện số PKTCD080 ngày 20/5/2023 của Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nhiệm Afghanistan) có nêu: “Một số doanh nghiệp tại Việt Nam chế biến, xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan sử dụng hóa chất nhuộm chè, tạo màu xanh cho nước chè để hấp dẫn người tiêu dùng. Việc sử dụng hoá chất nhuộm chè không những có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là một hành vi gian lận thương mại, gây nhầm lẫn về chất lượng hàng hóa, dẫn đến mất niềm tin vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam”.
Theo Sở Công Thương, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 161 công ty chế biến chè với quy mô 39.410 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm, tập trung tại TP. Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh.
Qua kết quả rà soát, báo cáo của doanh nghiệp có hoạt động chế biến, xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm và tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu chè của tỉnh, Sở Công Thương Lâm Đồng yêu cầu doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chè thực thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè.
Tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến; tuân thủ đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tích cực tham gia xây dựng, phát triển uy tín, thương hiệu chè của Lâm Đồng tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Được biết, thị trường xuất khẩu chính của chè bao gồm: Đài Loan, Pakistan và Afghanistan. Sản lượng chè xuất khẩu năm 2022 của địa phương ước đạt 4,67 ngàn tấn và ước đạt giá trị 11,56 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2023 sản lượng chè xuất khẩu ước đạt 2,2 ngàn tấn và ước đạt giá trị 5,3 triệu USD, tăng 38,4% về lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Cũng trong 5 tháng năm 2023, Chi cục Hải quan Đà Lạt đã làm thủ tục hải quan cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan, không có doanh nghiệp nào có lô chè xuất khẩu bị trả lại, đồng nghĩa các sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu chè đảm bảo điều kiện, tiêu chí an toàn thực phẩm của thị trường Pakistan và Afghanistan.