Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 15/12/2023, theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương tại website của 34 ngân hàng, ghi nhận thêm 4 ngân hàng giảm lãi suất là: VIB, TPBank, Eximbank và MB. Đáng chú ý, VIB là ngân hàng giảm lãi suất 2 ngày liên tiếp.
Cụ thể, VIB vừa công bố giảm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 3 - 5 tháng và từ 9 - 36 tháng. Theo đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 3,9%/năm. Các kỳ hạn 4 và 5 tháng cũng lần lượt giảm 0,3 và 0,4%/năm về chung mức 3,9%/năm. VIB đồng loạt giảm 0,2%/năm kỳ hạn từ 9 - 36 tháng. Kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm còn 5%/năm, 15 - 18 tháng còn 5,4%/năm, 24 - 36 tháng còn 5,6%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1 - 2 tháng giữ nguyên 3,8%/năm và 6 - 8 tháng là 5%/năm.
Đáng chú ý, VIB vừa mới giảm lãi suất ngày hôm qua (14/12) các kỳ hạn 3 và 4 tháng với mức giảm lần lượt 0,3 và 0,1%/năm xuống còn 4% và 4,2%/năm. Ngân hàng này còn giảm 0,1%/năm kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng xuống còn 5%/năm. Như vậy, không chỉ các kỳ hạn còn lại mà VIB còn giảm lãi suất tới lần thứ hai liên tiếp kỳ hạn 3 - 4 tháng.
Cũng trong sáng nay, TPBank công bố giảm lãi suất huy động với 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 và 3 tháng lần lượt là 3,4 và 3,6%/năm, 6 tháng chỉ còn 4,6%/năm, trong khi 12 tháng là 5,15%/năm và 18 tháng là 5,5%/năm. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại TPBank thuộc về kỳ hạn 24 và 36 tháng 5,8%/năm.
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất trên diện rộng |
Tương tự, Eximbank tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động lần thứ 2 trong tháng tất cả các kỳ hạn với mức giảm 0,1%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1 - 2 - 3 tháng lần lượt là 3,5 - 3,6 - 3,8%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng lần lượt là 4,7% và 5,1%/năm, 12 và 15 tháng lần lượt giảm về mức 5,2% và 5,3%/năm. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại Eximbank là 5,6%/năm, thuộc về các kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng.
Cũng trong hôm nay, MB công bố giảm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 8 tháng và giảm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 9 - 60 tháng. Đây cũng là lần thứ hai kể từ đầu tháng 12 ngân hàng này giảm lãi suất huy động.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 2,9%/năm, 2 tháng còn 3,1%/năm, 3 tháng là 3,2%/năm, 4 tháng 3,4%/năm và 5 tháng còn 3,5%/năm. Kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 4,4%/năm, 9 - 10 tháng là 4,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 11 và 12 lần lượt là 4,7% và 4,9%/năm, 13 và 15 tháng đang là 5%/năm, 18 tháng là 5,4%/năm.
Mặc dù giảm nhưng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 24 - 60 tháng tại MB vẫn dẫn đầu thị trường. Hiện, kỳ hạn 24 tháng là 6,1%/năm. Kỳ hạn 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng niêm yết tới 6,3%/năm.
Ngoài các ngân hàng kể trên, hôm qua 14/12, VPBank công bố giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn khác nhau khiến lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất cũng chỉ 4,8%/năm (với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng). Biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng gửi tiền dưới 1 tỷ đồng của VPBank cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 3,7%/năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng, VPBank giảm 0,2%/năm lãi suất xuống chỉ còn 4,8%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên: kỳ hạn 12 - 13 tháng là 5,3%/năm và kỳ hạn 15 - 36 tháng có lãi suất 5,1%/năm.
Ngoài lãi suất dành cho tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kể trên, VPBank có chính sách cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho lần lượt các mức tiền gửi khác nhau gồm: Từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên.
Kể từ đầu tháng 12 đến nay, 18 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank VIB, VPBank, TPBank. Trong đó, MB, VIB, BIDV, Eximbank là những ngân hàng giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng.
BIỂU LÃI SUẤT HUY ĐỘNG CAO NHẤT NGÀY 15 THÁNG 12 | ||||||
NGÂN HÀNG | 1 THÁNG | 3 THÁNG | 6 THÁNG | 9 THÁNG | 12 THÁNG | 18 THÁNG |
PVCOMBANK | 3,65 | 3,65 | 5,6 | 5,6 | 5,7 | 6 |
HDBANK | 3,65 | 3,64 | 5,5 | 5,2 | 5,7 | 6,5 |
OCEANBANK | 4,3 | 4,5 | 5,5 | 4,5 | 5,8 | 5,8 |
VIETBANK | 3,8 | 4 | 5,4 | 5,5 | 5,8 | 6,2 |
KIENLONGBANK | 4,15 | 4,15 | 5,4 | 5,6 | 5,7 | 6,2 |
NCB | 4,25 | 4,25 | 5,35 | 5,45 | 5,7 | 6 |
VIET A BANK | 4,3 | 4,3 | 5,3 | 5,3 | 5,6 | 6 |
BAOVIETBANK | 4,2 | 4,55 | 5,3 | 5,4 | 5,6 | 6 |
GPBANK | 4,05 | 4,05 | 5,25 | 5,35 | 5,45 | 5,55 |
SHB | 3,5 | 3,8 | 5,2 | 5,4 | 5,6 | 6,1 |
BAC A BANK | 3,8 | 4 | 5,2 | 5,3 | 5,5 | 5,85 |
ABBANK | 3,2 | 3,5 | 5,2 | 4,5 | 4,3 | 4 |
LPBANK | 3,8 | 4 | 5,1 | 5,2 | 5,6 | 6 |
OCB | 3,8 | 4 | 5,1 | 5,2 | 5,4 | 6,1 |
CBBANK | 4,2 | 4,3 | 5,1 | 5,2 | 5,4 | 5,5 |
BVBANK | 3,8 | 3,9 | 5,05 | 5,2 | 5,5 | 5,55 |
VIB | 3,8 | 3,9 | 5 | 5 | 5,4 | |
NAMA BANK | 3,3 | 4 | 4,9 | 5,2 | 5,7 | 6,1 |
SAIGONBANK | 3,3 | 3,5 | 4,9 | 5,1 | 5,4 | 5,6 |
DONG A BANK | 3,9 | 3,9 | 4,9 | 5,1 | 5,4 | 5,6 |
VPBANK | 3,5 | 3,7 | 4,8 | 4,8 | 5,3 | 5,1 |
SCB | 3,55 | 3,75 | 4,75 | 4,85 | 5,45 | 5,45 |
EXIMBANK | 3,5 | 3,8 | 4,7 | 5,1 | 5,4 | 5,6 |
MSB | 3,8 | 3,8 | 4,7 | 5,4 | 5,5 | 6,2 |
SACOMBANK | 3,6 | 3,8 | 4,7 | 4,95 | 5 | 5,1 |
TECHCOMBANK | 3,45 | 3,75 | 4,65 | 4,7 | 4,85 | 4,85 |
TPBANK | 3,4 | 3,6 | 4,6 | 5,15 | 5,5 | |
PGBANK | 3,1 | 3,3 | 4,6 | 5 | 5,5 | 5,8 |
SEABANK | 3,8 | 4 | 4,6 | 4,75 | 5,1 | 5,1 |
ACB | 3,3 | 3,5 | 4,6 | 4,65 | 4,7 | |
MB | 2,9 | 3,2 | 4,4 | 4,6 | 4,9 | 5,4 |
AGRIBANK | 2,7 | 3,3 | 4,2 | 4,2 | 5 | 5 |
BIDV | 2,7 | 3,1 | 4,1 | 4,1 | 5 | 5 |
VIETINBANK | 2,6 | 3 | 4 | 4 | 5 | 5 |
VIETCOMBANK | 2,2 | 2,5 | 3,5 | 3,5 | 4,8 | 4,8 |
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sử dụng công cụ lãi suất đã gần đến điểm giới hạn và Việt Nam không còn nhiều dư địa để có thể hạ thêm lãi suất. TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Không nên giảm tiếp lãi suất. Nên cố gắng giữ ở mức tương đối hấp dẫn để cho bộ phận người dân như nông dân, công nhân, người lao động… gửi tiền. Đừng cố gắng tìm mọi cách tiếp tục giảm thêm lãi suất với lý do phục vụ doanh nghiệp sản xuất. Khi đồng tiền rẻ quá, buộc người dân phải đẩy tiền vào kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán. Theo tôi, ngân hàng trung bình lãi suất 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng là hợp lý. Đối với ngân hàng nhỏ, lãi suất ở mức 5,5%/năm với lạm phát khoảng 4% thì mới giữ được lãi suất thực dương”.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hoè - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Hiện không còn dư địa để hạ thêm lãi suất. Lãi suất hạ đến thời điểm hiện tại với mức lạm phát 4% là phù hợp. Hiện lãi suất thực âm ở kì hạn ngắn, còn kì hạn dài vẫn dương có lợi cho người gửi tiền. Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thêm tiền thì lãi suất mới xuống nhưng cái giá phải trả là lạm phát tăng lên”.
Nếu lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản và “bong bóng tài chính”, gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế. Do đó, lãi suất huy động cần giữ ở mức 5% để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương, tạo sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng. Lúc này, nếu lãi suất thấp hơn cả lạm phát sẽ khiến nhiều người không gửi tiền vào ngân hàng do kênh tiết kiệm không còn hấp dẫn. Nếu thanh khoản ngân hàng khó khăn sẽ tác động lãi suất cho vay. Tỷ giá bị ảnh hưởng có thể khiến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chịu tác động.