
Thực phẩm ở chợ khó kiểm sóat chất lượng
CôngThương - Sau khi báo chí phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh bún tươi chứa độc tố tại khu vực phía Nam, từ ngày 15 đến 25/6, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (CESCON) thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam CESCON lấy 30 mẫu khảo sát 6 loại thực phẩm gồm bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt mua ngẫu nhiên tại 3 siêu thị và 5 chợ trên địa bàn TP HCM. Ngày 22/7, CESCON công bố kết qủa cho thấy, không có mẫu nào chứa hàn the nhưng có 5/6 loại thực phẩm với tổng số 24/30 mẫu khảo sát có chứa Tinopal.
Cụ thể, có 5/9 mẫu bún (chiếm 56%), 4/4 mẫu bánh ướt (100%), 5/5 mẫu bánh hỏi (100%), 3/4 mẫu bánh phở (75%) và 7/7 mẫu bánh canh (100%) có chứa chất Tinopal.
CESCON còn cho biết, ưu điểm của hệ thống siêu thị tại địa bàn TP.HCM là kinh doanh hàng hóa đạt chất lượng và an toàn thực phẩm nhưng lần kiểm tra này đã có 6/8 mẫu lấy ở 3 siêu thị có chứa chất Tinopal.
Sau khi công bố kết quả kiểm nghiệm với hàng loạt bún, bánh bị nhiễm Tinopal, ngày 23-7, trong buổi làm việc với Phòng công tác thanh tra của Cục An toànthực phẩm (Bộ Y tế), Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) thông báo, vừa phát hiện thêm nhiều loại thực phẩm trên địa bàn TP.HCM không đảm bảo an toàn đối với người sử dụng đã được lấy mẫu từ đầu tháng 7 để kiểm nghiệm.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM- cho biết, 7/7 mẫu bún tươi lấy tại các chợ đều có chất Tinopal. Trong số 7 mẫu xét nghiệm, đặc biệt có 2 mẫu chứa chất axit oxalic, một số mẫu bún tươi còn chứa chất Natrri benzoat (chất bảo quản) và natri sunfite ( phụ gia thực phẩm, chất làm tẩy trắng) với hàm lượng cao gấp nhiều lần cho phép.
Ông Hòa còn cho biết thêm, kiểm tra chất lượng một số thức uống đang bày bán trên thị trường TP.HCM, kết qủa thu được: có 6/6 mẫu nước sâm, 5/5 mẫu nước mía, 7/7 mẫu trà sữa trân châu, 5/5 mẫu trà bông cúc, 1/1 mẫu hồng trà trân châu có chỉ tiêu vi sinh (tổng số vi khuẩn yếm khí, Ecoli, Coliform, nấm men, nấm mốc) vượt qúa giới hạn cho phép.
Kết quả kiểm tra phụ gia độc hại chứa trong thực phẩm do Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình TP.HCM vừa mới thực hiện tại 4 chợ truyền thống gồm Tân Bình, Bàu Cát, Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai cũng đã phát hiện có 21 mẫu thực phẩm như chả lụa, chả quế, nem nướng, lạp xưởng chứa hàn the và 12 mẫu bánh canh, bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu chứa formol.
Đầu tháng 7, các cơ quan chức năng đã đóng cửa cơ sở sản xuất bún trên đường số 4, phường 4, quận 8 của bà Nguyễn Thị Hoa do hành vi sử dụng Tinopal và Sodium benzoat để tẩy trắng bún thiu. UBND tỉnh Tây Ninh vừa ra quyết định xử phạt đối với ông Trần Văn Cương, chủ cơ sở sản xuất bún tại phường 4, thị xã Tây Ninh 87,5 triệu đồng; xử phạt ông Võ Văn Ánh, chủ cơ sở sản xuất bún tại phường 4, thị xã Tây Ninh 54 triệu đồng. Hai cơ sở này đã sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất bún tươi, chủ yếu cung cấp cho thị trường TP.HCM.
Theo các cơ quan chức năng, Tinopal là chất tẩy trắng chỉ được dùng trong công nghiệp và rất độc hại cho người sử dụng. Tinopal có tính ô xy hóa rất mạnh, chứa rất nhiều tạp chất, các kim loại nặng, nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng thần kinh, gan, thận, gây ra các bệnh mãn tính và có nguy cơ gây ung thư. Riêng chất Sodium benzoat, đây là chất thường dùng để bảo quản, chống mốc, ôi thiu, chất này chỉ cho phép sử dụng vào một số nhóm thực phẩm, còn với nhóm tinh bột như sản xuất bánh phở, bún, bánh ướt thì bị cấm sử dụng.
Người tiêu dùng tại TP.HCM không chỉ bị sốc vì những loại bánh, bún, thức uống quen thuộc bị nhiễm chất độc, họ còn hoang mang lo lắng khi còn hàng trăm loại thực phẩm như mì, bún, bánh, kẹo, thức uống khác chưa được kiểm nghiệm. Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình) đề xuất, phải xử nặng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chứa độc tố và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng phòng tránh.