
Cảnh nóng bị chỉ trích dữ dội trong phim "Hoa nắng"
CôngThương - Xưa nay, tất thảy mọi sự “phơi bày” trên truyền hình đều gây phản ứng dữ dội bởi “sức mạnh của hình ảnh” khi lan truyền tới số đông, sự phản cảm có thể tăng lên gấp bội. Với khán giả xem truyền hình, những vụ “phơi bày”, “khoe thân”, “cảnh nóng” đều trở nên… khó tha thứ.
Trả lời về việc xử lý những “cảnh nóng” trên phim truyền hình, nhà văn, biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ- Phó trưởng ban thư ký, Đài truyền hình Việt Nam cho biết “Những cảnh nóng trên phim truyền hình luôn phải xử lý rất kỹ. Chúng tôi ý thức được, phim truyền hình có đặc thù rất riêng so với điện ảnh. Với phim điện ảnh, “cảnh nóng” có thể được chấp nhận khai thác ở nhiều khía cạnh, khai thác với mức độ thế nào… Với phim truyền hình, “cảnh nóng” thậm chí phải được duyệt kỹ từ khâu kịch bản. Nhưng đôi khi, hình ảnh chỉ có vài giây thôi, khi xem phim khán giả thậm chí có thể không để ý vì cảnh lướt qua rất nhanh. Song, nếu cũng cảnh đó bị cắt ra, đăng lên báo, lại khiến khán giả phản ứng dữ dội... Phim truyền hình luôn phải duyệt rất kỹ những “cảnh nóng”.

“Có rất nhiều kịch bản hay, nhưng với những đặc thù của phim truyền hình như tôi đã trao đổi, chúng tôi chưa thể đưa vào sản xuất. Ví dụ, kịch bản về đề tài ma, bạo lực hay đồng tính. Về vấn đề đồng tính, tâm lý số đông người Việt chúng ta chưa chấp nhận tình yêu đồng tính, vì thế, chúng tôi chưa thể đưa vào sản xuất những kịch bản này”- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết.

“Với những bộ phim có đề tài nhạy cảm như Bướm đêm nói riêng và các phim truyền hình nói chung, chúng tôi phải duyệt kỹ từ kịch bản. Phải xác định ngay với đạo diễn, cái gì có thể khai thác, cái gì không thể khai thác. Chúng tôi khai thác những đề tài nóng của xã hội dưới góc độ truyền hình. Khác hẳn với điện ảnh. Sau khi có bản nháp đầu tiên, chúng tôi lại ngồi xem lại, để duyệt rất kỹ những cảnh có thể bị xem là “nóng”, là sex, hay bạo lực…”- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định.
Bộ phim “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi mua bản quyền phát sóng đã phải cắt rất nhiều “cảnh nóng”. Ý thức được những yêu cầu, những quy chuẩn về “độ nhạy cảm” trên sóng truyền hình, nên những câu chuyện về “cảnh nóng”, về chuyện “phơi bày”, “khoe thân” dù “gìn giữ” cẩn thận đến bao nhiêu vẫn xảy ra những “sự cố”, mà hệ lụy để lại luôn ầm ĩ, ồn ào.