Thứ bảy 18/05/2024 13:39

Lai Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, phát huy ''thương hiệu'' địa phương

Những năm qua, việc triển khai Chương trình OCOP tại Lai Châu đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản.
Xây dựng Sâm Lai Châu thành "thương hiệu" quốc gia Lai Châu: Tập trung các giải pháp đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Lai Châu hiện có 204 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng sản phẩm; nhiều cơ sở đã đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới, vươn ra thị trường cả nước, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho lao động tại địa phương.

Lai Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, phát huy ''thương hiệu'' địa phương
Lai Châu quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, thương hiệu địa phương (Ảnh: Phương Ly)

Cụ thể, theo thống kê, mức tăng bình quân về doanh thu sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt trên 10%, đặc biệt có những đơn vị tăng doanh thu trên 20%... Từ đó khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo…

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương Lai Châu đã tổ chức các chương trình, hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, kết nối các chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn; phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Có thể kể đến các sản phẩm trà, hạt mắc-ca khô, mật ong, gạo dâu, thịt trâu sấy khô, thịt hun khói, ruốc cá hồi, chuối sấy giòn, đông trùng hạ thảo, mật ong và một số sản phẩm dược liệu…

Lai Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, phát huy ''thương hiệu'' địa phương
Vùng chè nguyên liệu Lai Châu được nhiều người tiêu dùng biết đến

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đã được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh. Đơn cử như sản phẩm trà Đông Phương mỹ nhân, trà ô long của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường là các sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Đưa 2 sản phẩm này tới thị trường còn giúp người tiêu dùng biết tới vùng chè nguyên liệu Lai Châu…

Có thể đánh giá, Chương trình OCOP đã nâng tầm thương hiệu, sản phẩm địa phương. Như tại huyện Tam Đương, sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo dấu ấn, sức bật đối với nông nghiệp, nông thôn của Tam Đường…

Ông Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Để phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, công tác tuyên truyền, quảng bá đến các tập thể, cá nhân có những sản phẩm được xây dựng đạt OCOP là điều rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là tuyên truyền để những chủ thể có sản phẩm đó hiểu được khi có những mặt hàng được công nhận là sản phẩm OCOP thì lợi thế thị trường, sức mua cao hơn. Chúng tôi xác định và giúp đỡ các chủ hộ, chủ thể có sản phẩm về thủ tục hồ sơ đăng ký công nhận sản phẩm kịp thời, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm của mình…

Lai Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, phát huy ''thương hiệu'' địa phương
Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP luôn được tỉnh Lai Châu quan tâm. (Ảnh: PL)

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2024, đặt ra yêu cầu, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên đưa nội dung triển khai Chương trình OCOP thành nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của đơn vị để chủ động thực hiện có hiệu quả. Bám sát mục tiêu Chương trình OCOP quốc gia và tình hình thực tế của địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố lựa chọn sản phẩm mới tham gia đánh giá phân hạng, sản phẩm OCOP tham gia đánh giá phân hạng lại, nâng hạng sản phẩm phải đáp ứng mục tiêu, tiêu chí của Chương trình. Cụ thể, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cần đáp ứng các tiêu chí như: Ưu tiên các sản phẩm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như sản phẩm đặc sản, đặc hữu có quy mô sản phẩm, nguồn nguyên liệu ổn định, các sản phẩm dịch vụ gắn với bản sắc văn hóa, cảnh quan, sinh thái du lịch đặc trưng của địa phương (phải có tài liệu minh chứng cụ thể). Ưu tiên sản phẩm được sản xuất tại vùng nông thôn (tại 94 xã) của tỉnh, nhất là sản phẩm được hình thành từ các bản, xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Tin khác

Phiên bản di động