Lai Châu: Công khai danh sách 27 doanh nghiệp nợ thuế hơn 9,7 tỷ đồng Phạt tù 16 bị cáo trong vụ án đưa và nhận hối lộ tại Lai Châu |
Ngày 27/5, theo thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu, gần đây hoạt động hôn nhân thông qua môi giới giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông Trung Quốc ngày càng có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Đa số là những phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các địa bàn vùng núi, nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật hạn chế, họ thường tìm hiểu qua mạng xã hội Zalo, Facebook, WeChat rồi tự nguyện kết hôn với người Trung Quốc hoặc thông qua họ hàng, bạn bè đang sinh sống, lấy chồng ở Trung Quốc qua giới thiệu, mai mối…
Tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về hôn nhân với người nước ngoài cần tìm hiểu kỹ và thực hiện đúng pháp luật. (Ảnh: CALC) |
Theo tìm hiểu, những phụ nữ lấy chồng Trung Quốc vì mục đích kinh tế, muốn có cuộc sống nhàn hạ; đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt chủ yếu là người có độ tuổi ngoài 30 trở lên, sống ở các vùng nông thôn, có thu nhập thấp, công việc không ổn định, cơ bản là lao động phổ thông hoặc làm công nhân trong các nhà máy, phân xưởng không đủ khả năng kinh tế lấy vợ Trung Quốc. Trong khi đó, nếu kết hôn với phụ nữ Việt thì chi phí thấp, thuận tiện đi lại, thủ tục đăng ký kết hôn dễ dàng.
Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và đặc biệt là thông tin sai lệch do môi giới cung cấp nên nhiều cặp vợ chồng đã xảy ra xung đột dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ; gia đình chồng ngược đãi, lạm dụng, lao động khổ cực nên đã tìm cách bỏ trốn về nước hoặc bị các đối tượng dụ dỗ, lừa đưa vào con đường phạm pháp như hoạt động mại dâm, tham gia đường dây lừa đảo...
Hiện nay, các đối tượng môi giới thường sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi thông qua mạng xã hội WeChat để giao dịch móc nối với người Trung Quốc đang có nhu cầu tìm phụ nữ Việt làm vợ.
Sau khi cho xem hình ảnh trên Zalo, Facebook hoặc WeChat, nếu đồng ý thì người Trung Quốc sẽ nhập cảnh và đến gia đình nhà gái xem mặt, đặt sính lễ (khoảng 30 đến 150 triệu đồng). Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì các đối tượng này chỉ khai nhận được người Trung Quốc thuê làm phiên dịch với giá tiền công 200.000-350.000 đồng/1 ngày, hoặc thuê xe chở đi thăm quan, du lịch ngoài ra không biết gì.
Việc giao dịch trả tiền công môi giới (tiền sẽ trả đủ thông qua ứng dụng tài khoản WeChat ở nước ngoài), hỗ trợ thủ tục kết hôn được trả khi đã có giấy tờ kết hôn hợp pháp. Cơ bản những gia đình có con gái kết hôn với người Trung Quốc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ sẽ nhận số tiền đặt sính lễ rất cao nên đã đồng ý gả con cho người Trung Quốc mà không biết con em mình có thể gặp phải rủi ro, hệ lụy từ việc môi giới, kết hôn chóng vánh này.
Cấp ủy chính quyền, địa phương tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân và gia đình có con em lấy chồng Trung Quốc. (Ảnh: CALC) |
Theo ghi nhận từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Lai Châu đã có một số trường hợp kết hôn với người Trung Quốc, cơ bản số phụ nữ này là người dân tộc thiểu số, thông qua họ hàng lấy chồng ở Trung Quốc làm mối sau đó đưa người Trung Quốc đến xem mặt và tổ chức xin cưới. Ngoài ra cũng có nhiều người Trung Quốc tự nhập cảnh vào địa bàn Lai Châu với mục đích tìm phụ nữ Việt để kết hôn.
Trước thực trạng trên, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Lai Châu) khuyến cáo người dân khi muốn kết hôn với người nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về công việc, đời sống của người mình lấy làm chồng, tránh tình trạng sau khi kết hôn không chịu đựng những hệ lụy phát sinh phải trốn chạy về nước gây thiệt hại, tổn thương cho con cái cũng như bản thân. Nếu không tìm hiểu kỹ có thể bị lừa đảo, rơi vào các đường dây buôn người, bán dâm, tham gia vào các đường dây tội phạm khác.
Các cấp chính quyền cơ sở, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu cần quan tâm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về những rủi ro của hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, chủ động tố giác đối tượng phạm tội tổ chức đưa người ra nước ngoài kết hôn trái phép.