Tôn Hoa sen đã đầu tư ra nước ngoài thành công |
Hiện diện tại 5 châu lục
Các DN Việt Nam đã đầu tư tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại 5 châu lục với tổng vốn đăng ký đạt trên 20 tỷ USD. 5 quốc gia đứng đầu trong việc tiếp nhận đầu tư của các DN Việt Nam, bao gồm: Lào, với 266 dự án, tổng vốn đăng ký 5,066 tỷ USD; Campuchia 179 dự án, tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD; Liên bang Nga 19 dự án, tổng vốn đăng ký 2,4 tỷ USD; Venezuela 2 dự án, tổng vốn đăng ký 1,825 tỷ USD; Peru 6 dự án, tổng vốn đăng ký 1,336 tỷ USD.
Đã có 18 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được các doanh nghiệp trong nước đầu tư tại nước ngoài, trong đó 5 lĩnh vực có vốn đạt từ 1 tỷ USD trở lên: Khai khoáng dẫn đầu với 9,3 tỷ USD; nông - lâm nghiệp và thủy sản 3,1 tỷ USD; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 2,23 tỷ USD; thông tin và truyền thông 1,88 tỷ USD; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 1,16 tỷ USD.
Cùng với địa bàn, quy mô và lĩnh vực đầu tư được mở rộng, số lượng DN Việt Nam ĐTRNN cũng ngày càng gia tăng. Bên cạnh các tập đoàn lớn của nhà nước, còn có sự hiện diện của các công ty tư nhân, điển hình như: Tập đoàn Hoa Sen, FPT, Hoàng Anh Gia Lai... Đã có 5 tập đoàn, tổng công ty, DN Việt Nam có vốn ĐTRNN đăng ký vượt ngưỡng 1 tỷ USD: Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai và Công ty Cổ phần Golf Long Thành.
Hoàn thiện chính sách
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách mới về ĐTRNN của Việt Nam tương đối đầy đủ như Luật Đầu tư 2014; Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về ĐTRNN; Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư; Nghị định số 135/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư... Trong đó, Luật Đầu tư 2014 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động ĐTRNN nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ, tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Luật Đầu tư 2014 cũng quy định, những dự án có vốn đầu tư từ 800 tỷ đồng trở xuống không cần xin chủ trương đầu tư của Quốc hội mà chỉ cần đăng ký đầu tư với cơ quan quản lý. “Đây là điểm mới, tạo điều kiện thông thoáng cho DN trong việc thúc đẩy các hoạt động ĐTRNN” - ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định.
Về định hướng ĐTRNN thời gian tới, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu tiên các dự án trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng thăm dò, khai thác dầu khí và khoáng sản, lĩnh vực trồng cây công nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ dự án ĐTRNN đáp ứng được yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất. Về địa bàn, tập trung vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Liên bang Nga,...
Để hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam tiếp tục sôi động và đạt hiệu quả cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ĐTRNN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, định hướng cho mọi thành phần kinh tế thực hiện ĐTRNN được thuận lợi; cải thiện thủ tục hành chính...
Hiện các dự án ĐTRNN đã giải ngân được 5,5 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực khoáng sản và dầu khí giải ngân được trên 3 tỷ USD. |