Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất. Theo đó, việc giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng lớn và nhỏ do quy định giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Đánh giá về triển vọng của thị trường tài chính tiền tệ trong 2020, TS. Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB cho rằng, tương tự như năm 2019, 2020 tiếp tục có 3 nhân tố cốt lõi có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến triển vọng thị trường tiền tệ. Đó là dòng vốn vào, các động thái của Fed và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa PboC tác động tới chỉ số đô la Mỹ DXY và Đồng CNY.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới mà cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có những bước tiến mới khi cuối cùng đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 về nguyên tắc, trong đó có điều khoản liên quan đến cam kết không thao túng tiền tệ. Điều này cho phép chúng ta giả định rằng triển vọng Đồng Nhân dân tệ CNY sẽ được giữ tương đối ổn định trong 2020.
Như vậy, có thể kỳ vọng rằng tỷ giá USDCNY tương đối ổn định, cộng với tâm lý thị trường khá vững thì tỷ giá USDCNY sẽ cơ bản tiếp tục đi ngang với mức giá phụ thuộc vào giá sàn mua vào ngoại tệ của NHNN.
Với triển vọng thị trường ngoại tệ khá ổn định, ông Quang Anh dự báo hoạt động mua ròng ngoại tệ của NHNN tiếp tục được duy trì, đồng thời hoạt động giải ngân tiền gửi Kho bạc Nhà nước từ NHNN xuống thị trường bắt đầu nhộn nhịp; lãi suất thị trường sẽ tiếp tục duy trì ở mặt bằng đủ thấp, cơ bản dao động ở mức 3% cho kỳ hạn đại diện 1W.
Trên thực tế, về phương diện vĩ mô, để ổn định chính sách tiền tệ, đại diện Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định rằng năm 2020, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Cụ thể là bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ kịp thời; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định ngoại tệ, phấn đấu tăng Dự trữ ngoại hối nhà nước; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào những lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng đen và kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.