Học giả Nguyễn Đình Đầu: Ký ức tuổi hai mươi của Bí thư Bộ trưởng Bộ Kinh tế đầu tiên Tinh thần Ngày Chiến thắng thôi thúc khát vọng hôm nay Hiện thực hóa khát vọng hòa bình và phát triển |
Cận kề kỷ niệm ngày toàn thắng 30/4 năm nay và kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, tôi may mắn được gặp lại học giả Nguyễn Đình Đầu, một chứng nhân lịch sử nay đã 104 tuổi và còn lưu giữ nhiều thông tin quý giá về những cột mốc vàng của đất nước…
Tiếp tục sưu tầm, ghi chép thêm tư liệu về Bộ Công Thương từ 2/9/1945
Nửa năm sau lần gặp mặt đầu tiên vào tháng 10/2023, tôi mới có dịp gặp lại học giả vì dạo giáp Tết, tôi từng muốn vào thăm chúc Tết ông nhưng gia đình báo sức khỏe học giả không tốt. Với một con người đặc biệt như cụ, một chứng nhân lịch sử từng là Bí thư của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc dân đầu tiên trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay đã 104 tuổi thì còn sống, còn minh mẫn và hơn thế là còn viết, còn cống hiến quả là điều kỳ diệu. Vì thế, tôi kiên nhẫn ngồi đợi trước quán cà phê góc phố Thủ Khoa Huân hơn 2 giờ chờ cụ xong giấc trưa để vào tiếp kiến.
Học giả Nguyễn Đình Đầu và Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh |
Lần này mừng quá, đúng dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, sức khỏe cụ tốt hơn nhiều. Thậm chí cụ không ngồi xe lăn từ buồng ra như trước mà chống gậy inox bước ra tươi cười bắt tay tôi. Hơn thế, cụ còn thông báo, mấy tháng rồi sau lần gặp “ông” lãnh đạo Báo Công Thương, thấy các ông tìm về cội nguồn lịch sử tôi mới nhớ ra mình từng là “người của Bộ Công Thương” và dần hồi tưởng lại nhiều chuyện, lục tìm lại nhiều thư từ, văn tự. Nay tôi đã gom tất cả lại, viết lại một số chuyện cho đúng, nhắc lại cho rõ, tránh để thế hệ sau hiểu không đúng. Tôi sẽ bàn giao cho “ông” những tư liệu đó. Nhưng chưa đầy đủ đâu, tôi còn tìm kiếm thêm nữa. Khi nào đủ chúng ta có một cuộc “ký kết bàn giao tài liệu”.
Góp công cho ngày toàn thắng bớt đổ máu
Câu chuyện giữa chúng tôi và cụ học giả Nguyễn Đình Đầu cứ tự nhiên như thế, như người trong nhà cùng trao đổi công việc chung, rồi tới những câu chuyện theo dòng lịch sử. Nhắc đến kỷ niệm về những ngày tháng Tư năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, học giả Nguyễn Đình Đầu giọng như trầm đi một chút trong xúc động. Ông run run đưa tôi xem một đoạn trong tập tài liệu ông viết khái quát những dấu mốc của cuộc đời mình, có đoạn nhắc đến những ngày 30/4 năm ấy.
“Năm 1971-1973, hội nghị 4 bên họp tại Paris, kết quả là Mỹ được rút hết quân về còn miền Nam Việt Nam sẽ được quyết định chính trị bằng một Ủy ban hòa hợp, hòa giải dân tộc gồm 3 thành phần. Song thực tế là mọi chuyện đã được giải quyết bằng Đại thắng mùa Xuân và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975, ngõ hầu đưa đến thống nhất Tổ quốc”, học giả viết.
Ký ức đưa ông về những ngày gần 30/4/1975, ông đã có đóng góp quan trọng trong việc hòa hợp dân tộc. Với tư cách là một trí thức công giáo dấn thân, ông đã quan tâm đến việc này từ rất sớm. Dịp 30/4/2013 khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên ông đã cho biết: “Ngày 15/4/1968, Đức Giáo hoàng Phaolô (Paul) VI đã ra một thông điệp Mân côi về hòa bình, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam trong lúc chiến tranh ở Việt Nam leo thang đến đỉnh cao. Đức Giáo hoàng kêu gọi các bên nên điều đình để sớm chấm dứt chiến tranh; vì nếu không, một ngày kia cũng phải điều đình để chấm dứt chuyện đau thương này nhưng đến lúc đó sẽ có nhiều đau khổ hơn nữa.
Kho sách, bản đồ quý giá của học giả Nguyễn Đình Đầu |
Tôi có thân với Luật sư Nguyễn Văn Huyền, lúc đó là Chủ tịch Thượng nghị viện miền Nam Việt Nam. Ông Huyền không phải là người Cộng sản nhưng là một người theo đạo và là một người tốt. Khi Đức Giáo hoàng kêu gọi hòa bình, ông Huyền đã hướng đến việc chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình. Đến 1975, ông Dương Văn Minh thành lập chính quyền đã mời ông Huyền làm Phó Tổng thống phụ trách hòa đàm.
Trong thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất mà không thiệt hại thêm về người và của. Đối với nhiều người, họ xem đây là chuyện chấm dứt một cuộc chiến tranh ác liệt. Còn tôi nghĩ sự kết thúc như vậy là một điều lạ, đặc biệt, rất đáng lưu ý và đáng ghi vào lịch sử.
Riêng tôi có một đóng góp nhỏ, đó là tham gia vào nhóm bên phía chính quyền miền Nam nỗ lực kêu gọi ngưng tiếng súng trong những giờ phút cuối cùng, mà tôi nghĩ có lẽ sự đóng góp ấy cũng là ngẫu nhiên mà thôi.
Khi thương vong được hạn chế đáng kể, tôi cảm thấy rất vui mừng. Tôi vẫn còn nhớ là sau ngày thống nhất, Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói, đại ý rằng giữa người Việt Nam với nhau không có thắng có bại mà đây là một thắng lợi của Việt Nam khi buộc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam”.
Học giả Nguyễn Đình Đầu đã tham gia vào nhóm kêu gọi ngưng tiếng súng một cách tự nhiên, như lịch sử đã lựa chọn ông. Ông tâm sự: Tôi cũng không hiểu vì sao ông Nguyễn Văn Huyền chọn tôi. Có thể tôi là tiếng nói trung lập nhưng cũng có thể vì chúng tôi đều là người công giáo giống nhau, đều chung quan điểm đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết”.
Học giả Nguyễn Đình Đầu chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng biên tập Nguyễn Văn Minh và các nhà báo Báo Công Thương |
Lịch sử còn ghi những đóng góp rất quan trọng của ông Nguyễn Văn Huyền và ông Nguyễn Đình Đầu cho ngày toàn thắng. Theo một số tài liệu ghi lại, ông Nguyễn Văn Huyền từng giữ chức vụ Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm dưới thời Tổng thống Dương Văn Minh nhưng chỉ giữ chức vụ này trong 3 ngày trước khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Sau này, ông còn được bầu giữ chức Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IV. Ngày 28/4/1975, ông dẫn đầu phái đoàn gồm ông, luật sư Vũ Văn Mẫu, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh vào trại Davis để tiếp xúc với đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đến 15 giờ chiều, ông chính thức nhận chức vụ Phó Tổng thống theo lời giới thiệu của Dương Văn Minh. Lúc 19 giờ cùng ngày, ông đọc một bài hiệu triệu trên Đài Phát thanh Sài Gòn, tường trình về cuộc thương lượng với phía Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và kêu gọi người dân tôn trọng luật pháp, tránh hoảng loạn, lực lượng quân đội và cảnh sát giữ an ninh trật tự và thẳng tay đối với những kẻ cướp và hôi của.
Sáng 29/4/1975, ông cử thêm một phái đoàn nữa gồm 4 người là các ông Nguyễn Văn Diệp (Tổng trưởng), Nguyễn Văn Hạnh (nhà thầu),Tô Văn Cang (kỹ sư), Nguyễn Đình Đầu vào trại Davis tiếp xúc với đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để bàn về việc ngưng bắn nhưng kết quả cuộc tiếp xúc đã không thể thành công khi đối phương đã hoàn toàn nắm chắc thắng lợi. Vì thế, ông quyết định trình lên Tổng thống Dương Văn Minh bản dự thảo tuyên bố “Chấp nhận Điều kiện ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam “ do ông Nguyễn Văn Diệp và ông Nguyễn Đình Đầu cùng soạn thảo, với mục đích tránh các cuộc đổ máu không cần thiết. Tổng thống Dương Văn Minh chấp thuận và ông đã công bố bản này trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào lúc 17 giờ ngày 29/4/1975.
Hòa hợp dân tộc - xóa bỏ định kiến và hành động thiết thực vì đất nước
Hòa hợp dân tộc vẫn là một điều được học giả Nguyễn Đình Đầu quan tâm, trăn trở cho đến hôm nay. Gần 50 năm đã trôi qua nhưng đây đó vẫn còn những người thành kiến quá khứ, vẫn nhắc đến hận thù “bên thắng trận” và “bên thua cuộc”, coi 30/4 là “ngày Quốc hận”, “Tháng Tư đen”…Theo học giả Nguyễn Đình Đầu, những suy nghĩ như thế không còn phù hợp với dòng chảy chung của đất nước, dân tộc hôm nay theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ông cho rằng, hòa hợp dân tộc không chỉ dừng lại ở gác lại quá khứ, bất đồng mà quan trọng hơn ngay cả với những người Công giáo là tinh thần dấn thân, hành động, là sự kết hợp giữa Đạo và Đời để làm những điều đúng đắn, tốt đẹp. Học giả cho biết ông vẫn theo dõi và đánh giá rất cao những chỉ đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giải quyết vấn đề đại đoàn kết dân tộc, quan tâm tới chính sách tôn giáo, trong đó có những vấn đề liên quan tới người Công giáo.
Học giả Nguyễn Đình Đầu vẫn làm việc, viết sách báo ở tuổi 104 |
104 tuổi đời, từng là chứng nhân lịch sử giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc dân đầu tiên, từng nhiều lần may mắn được làm việc với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng bôn ba nhiều năm ở Pháp, Mỹ và làm việc qua nhiều thể chế chính trị, ông luôn coi mọi công việc đến với mình rất tự nhiên, hành động vì lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng là lẽ sống. Ông vẫn theo đuổi những công việc tâm huyết mấy chục năm qua, nhất là việc nghiên cứu về lịch sử, địa lý, biên giới, cương vực của Tổ quốc hay các bản đồ về quy hoạch, bản đồ về Trường Sa, Hoàng Sa… Ông cho biết một trong những tâm nguyện quan trọng cuối đời là tổ chức cuộc triển lãm về hệ thống bản đồ đó để góp phần giáo dục truyền thống, công bố những tư liệu quý góp phần cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… hôm nay. Năm ngoái, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đến thăm ông cũng đánh giá rất cao ý tưởng của ông và sẵn sàng hỗ trợ ông thực hiện tâm nguyện. Ông đã chuẩn bị khá chu đáo về tư liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, các giá treo “tập kết” khắp nhà nhưng hiện còn khó khăn, khả năng kinh tế eo hẹp chưa thể tổ chức cuộc triển lãm cũng như còn chờ cơ quan chức năng cho phép, hỗ trợ.
Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Tổng biên tập Báo Công Thương tặng quà học giả Nguyễn Đình Đầu trong buổi gặp gỡ ngày 25/4/2024 |
Tâm nguyện của học giả 104 tuổi đời thật sâu sắc và đáng quý biết bao. Tôi nắm tay ông chia sẻ, mong ông luôn mạnh khỏe, trường thọ để sớm hoàn thành tâm nguyện ấy vì với một chứng nhân lịch sử đã ở vào tuổi thần tiên như ông, thời gian sẽ không chờ đợi và những việc làm đáng quý ấy của ông, xét cho cùng cũng chỉ là vì đất nước, vì dân tộc và hậu thế…
Học giả Nguyễn Đình Đầu, chứng nhân lịch sử thời lập quốc của ngành Công Thương Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là một nhân chứng xuyên suốt những chặng đường lịch sử của dân tộc, từ 2/9/1945 đến nay. Ông sinh năm 1920 trong một gia đình Công giáo nghèo ở nhà số 57 Hàng Giấy, Hà Nội.Từ thời thiếu niên ông đã gia nhập Hội hướng đạo, Hội truyền bá quốc ngữ rồi phong trào Thanh niên lao động Công giáo. Những đoàn thể này với các nhà lãnh đạo tên tuổi, các giáo sĩ trí thức tiến bộ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông. Năm 1940 ông học trường Bách nghệ Hà Nội, làm đoàn trưởng Đoàn Thanh Lao Công gồm những học sinh công giáo, phụ trách một tờ bích báo. Năm 1941, ông là học sinh duy nhất ra trường làm việc tại Sở Vô tuyến điện Bạch Mai. Năm 1942 ông được cử làm Tổng thư ký Thanh Lao Công Bắc Kỳ. Tháng 9/1945, ông tham gia cách mạng là Bí thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà trong chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Nguyễn Mạnh Hà được ông Võ Nguyên Giáp đại diện cho cách mạng lâm thời mời về làm Bộ trưởng, còn ông được ông Hà mời làm Bí thư cho Bộ trưởng. Từ năm 1947-1954, ông hoạt động trong phong trào Thanh Lao Công Việt Nam và thế giới ở Việt Nam, Pháp và Mỹ. Từ năm 1955-1975, ông dạy học tư và nghiên cứu tại Sài Gòn đồng thời tiếp tục tham gia phong trào Thanh Lao công. Ngày 29/4/1975, ông tham gia phái đoàn đại diện cho chính quyền Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền đến Trại David hòa đàm ngừng bắn, qua đó giúp giảm bớt đổ máu trong ngày cuối của cuộc chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã dốc toàn lực, chuyên tâm nghiên cứu sâu về điền thổ, địa bạ thời Nguyễn - là những tài liệu quý mô tả ruộng đất Việt Nam cách đây đã hơn 200 năm, ghi lại diện tích từng làng, vị trí, cách sử dụng, chủ sở hữu của toàn bộ đất đai các làng xã Việt Nam, từ cực bắc Tổ quốc cho đến mũi Cà Mau. Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, ông Nguyễn Đình Đầu có một bộ sưu tập bản đồ Việt Nam khổng lồ với hơn 3.000 tấm, trong đó có nhiều bản đồ cổ của nước ta, của Trung Quốc và nhiều nước phương Tây khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tâm nguyện lớn nhất của ông hiện nay là sớm tổ chức được cuộc triển lãm kho bản đồ quý giá ấy. |