Bằng xúc cảm mãnh liệt và sự chuyên nghiệp, những phóng viên chiến trường trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã tái hiện trọn vẹn, chân thực, sống động về hình ảnh oai hùng của những người lính Cụ Hồ, sự tàn khốc của chiến tranh, cũng như vẻ đẹp trường tồn, kiêu hãnh của con người, đất nước Việt Nam qua từng tác phẩm. |
![]() |
Nói về phóng viên chiến trường, chúng ta không thể không nhắc đến nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính (SN 1943, quê Nam Định) - nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Ông Tính từng có mặt ở nhiều chiến dịch lớn, xông pha đến những trận địa ác liệt để ghi lại hiện thực sống động về cuộc đấu tranh gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta, cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng đoạt nhiều giải thưởng cao quý, trong đó phải kể đến loạt ảnh về cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhớ lại những năm tháng hào hùng, ông Tính trầm ngâm: “Năm 1970, tôi được cử vào vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) bám trụ để ghi lại những hình ảnh của bộ đội và du kích địa phương chiến đấu. Năm 1971, tôi vác máy lên đường tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào với một ao ước sẽ ghi được những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ. Tại đây, tôi đã quyết định bám sát chiến trường Quảng Trị”. |
Trong cuộc đời làm báo của ông Tính, trận chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng trị vẫn luôn đau đáu trong lòng ông. Ông Tính kể lại, tháng 7/1972, Thành cổ Quảng Trị bị tàn phá tới mức không còn một viên gạch nào nguyên vẹn. Quân Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố. Rồi chất độc hóa học kéo từng vệt dài màu vàng trên vòm trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành cổ một thứ khói vàng nhạt chết người... Máu trong nghề thôi thúc ông phải tìm mọi cách vào đó cho bằng được. “Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ khuyên tôi nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng đủ tài liệu. Như thế thì an toàn hơn nhưng nghĩ mình là phóng viên nhiếp ảnh không thể lấy tài liệu gián tiếp, tôi phải có hình ảnh bộ đội chiến đấu tại Thành cổ để có được tư liệu nóng hổi về cuộc chiến. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm B52 của Mỹ. Ngày đó, tôi xông xáo lắm, máu vào thành cổ trong tôi cứ ngùn ngụt, bởi tôi xác định cầm máy ảnh như cầm súng, phải chiến đấu vì nhiệm vụ” – ông Tính trải lòng. |
Quyết định vào tâm chiến trường biết là sinh tử cận kề, nhưng ông Tính đã cố gắng thuyết phục Ban Chỉ huy đồng ý cho vượt sông vào Thành cổ. Ông xúc động kể lại: “Cái cảm giác bơi qua sông Thạch Hãn khi tiếng pháo gầm rít trên đầu, lên được bờ mù mịt lửa đạn và những mảnh bom rơi như mưa khiến tôi không bao giờ quên. Đêm ấy đang là mùa mưa, nước xiết, nhiều chiến sĩ kiệt sức đã bị nước cuốn trôi. Khoảnh khắc ấy, tôi đã chụp rất nhiều hình ảnh của cuộc chiến khốc liệt. Sáng sớm hôm sau, chỉ huy cho chiến sĩ thông tin Lê Xuân Chinh, người sau này trở thành nhân vật chính trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” đã đưa tôi đến khu vực Thành cổ” và mãi sau này, tôi mới biết mình may mắn khi là nhà báo duy nhất có mặt ở thời khắc lịch sử ấy”. |
![]() |
Chia sẻ về bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” ông Tính tiếp lời: “Vừa khi vào tới thành cổ, một chiến sĩ lập tức kéo tôi xuống hầm để tiến hành kích nổ phá một quả bom cách đó không xa. Suy nghĩ về những người lính quả cảm, tôi chợt lóe lên ý tưởng ghi lại hình ảnh nụ cười lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của họ ở nơi mà sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Tôi đã đề nghị anh em bộ đội ngồi vào vị trí để khi vào hình toát lên sự bi tráng nhưng đầy lạc quan. Tôi cố gắng để bấm máy ở nhiều góc ảnh với những khoảnh khắc khác nhau. Khi tấm ảnh cuối cùng vừa được bấm thì cũng là lúc tiếng bom dội qua”. Nhớ lại kỷ niệm về tấm hình này, nhà báo Đoàn Công Tính không quên thời khắc ông đưa ống kính lên, anh em chiến sĩ cười tươi nói với ông: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước”. Và lời nói thiêng liêng ấy được ông khắc ghi vào lòng với trách nhiệm thật nặng nề là phải mang bằng được những tấm hình ấy về Hà Nội. Để những tấm ảnh đó không bị thất lạc nếu chẳng may bất trắc xảy đến, ông đã viết sẵn di chúc: “Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ 10 cuốn phim này về giao cho tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân”, trong đó có tấm ảnh nụ cười bất diệt của chiến sỹ Lê Xuân Chinh. Và may mắn, ông vẫn bình an. Trong 82 ngày đêm tác nghiệp ở Thành cổ Quảng trị, ông Tính đã có những hình ảnh nóng hổi từ mặt trận nơi đây, không chỉ là những bức tường đổ nát tan hoang mà đó còn là nụ cười lạc quan, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân ta. Trải lòng về những khó khăn trong quá trình tác nghiệp của một phóng viên chiến trường, ông nói, phóng viên chiến trường không khác gì một người lính chiến đấu trên mặt trận. Khác ở chỗ, phóng viên khó di chuyển hơn lính trận. Lính có thể ẩn, nấp, né, tránh những làn đạn để lựa thế chiến đấu tốt nhất, còn phóng viên phải trực tiếp đối diện với những thứ đó mới có được những bức ảnh đắt giá ghi lại thời khắc lịch sử. “Có những lần tôi bị vùi lấp cùng với một vài người lính để rồi tự bới đất ngoi lên và nhìn thấy những người bị thương vong. Tôi bàng hoàng trước hình ảnh thảm khốc: những xác chết đối phương nằm la liệt. Tôi đã định không chụp nhưng rồi tôi đã nhắm mắt chụp vì nghĩ rằng chiến tranh là như thế. Người phóng viên cần phải ghi lại sự thật dù không mong muốn điều đó xảy ra”- ông Tính cho hay. |
Được tôi luyện, rèn giũa từ những năm tháng cầm máy trên chiến trường đã hun đúc cho nhà báo Đoàn Công Tính những kinh nghiệm nghề nghiệp hết sức quý báu. Ông Tính bộc bạch: “Nghề báo đầy những thử thách nghiệt ngã, do đó, đòi hỏi phải có bản lĩnh, ý chí vững vàng. Đặc biệt, người làm báo muốn làm nghề cần có "máu" nghề nghiệp, hết lòng yêu nghề, sống có lý tưởng, như vậy mới vượt qua được mọi gian khổ, hy sinh để rèn nghề, cống hiến...". |
![]() |
Không có mặt ở trận chiến tại Thành cổ, nhưng nhà báo Nguyễn Khắc Xuể (nguyên là phóng viên Báo Quân đội nhân dân) lại là nhà báo lính đầu tiên đến Trường Sa, tham gia chụp ảnh, viết bài về sự kiện giải phóng những ngày tháng 4/1975. Nhận thức tầm quan trọng của việc tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc hoàn toàn giải phóng, ông cùng phóng viên Nguyễn Thắng (nay đã mất) được giao nhiệm vụ theo chuyến tàu đầu tiên tiếp quản Trường Sa. Khi được nhận nhiệm vụ, ông Xuể nhớ rất rõ lời dặn “5 không” của Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái: Không được chụp quân cảng, không được chụp đoàn tàu đang hành quân, không được chụp toàn cảnh đảo và những vũ khí khí tài lớn, không được chụp chân dung cán bộ chỉ huy và chiến sĩ, không được chụp cảnh ông Thái ngồi làm việc với Ban chỉ huy các đảo. |
Trừ “5 không” đó ra thì nhiệm vụ của phóng viên là làm sao chụp ảnh, viết bài để thấy được bộ đội ta huấn luyện, đánh chiếm đảo; chụp sao nêu bật được việc ta đã làm chủ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có nhiều điểm nhấn như cột mốc, cờ Tổ quốc, sinh hoạt của bộ đội… “Do đó, khi ra trường sa, trước tiên tôi phải nghĩ tới con người và lá cờ. Thể hiện làm sao cho hết tinh thần quật cường, dũng cảm của bộ đội ta, đặc biệt là cái linh hồn của mảnh đất đó. Nó đã có lá cờ chứng minh chủ quyền - sự vĩ đại của chiến thắng. Đó là lý do vì sao tôi phải lùi bằng được, lấy cho bằng được hai lá cờ, không thiếu cái nào. Bởi biểu tượng của Trường Sa có ý nghĩa rất to lớn, nếu như chúng ta giải phóng đất nước mà thiếu đi Trường Sa thì biên thùy, bờ cõi, giang sơn của chúng ta thiếu vô cùng lớn. Nó là xương máu của cả dân tộc, không phân biệt Bắc Nam” - nhà báo Nguyễn Khắc Xuể chia sẻ. Kể lại quá trình tác nghiệp trên đảo, nhà báo Khắc Xuể cho biết, bước chân lên các đảo, ông đã chụp hết 14 cuộn phim ghi lại hình ảnh Trường Sa ngày đầu được giải phóng. Đến với Trường Sa điều ông ấn tượng đầu tiên là khung cảnh hoang sơ, cây cối ít, chủ yếu là chim ó biển, bay đen cả bầu trời. Ông kể: “Giây phút đầu tiên thấy lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng trên cột chủ quyền đảo Song Tử Tây, giữa biển trời, tuy nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh, tôi hối hả bấm máy ảnh. Rồi hình ảnh các chiến sỹ đầu đội mũ cối, ôm súng hiên ngang trên đảo. Đó là biểu tượng của những người chiến thắng hiên ngang bảo vệ từng tấc đất, từng thước đảo, từng ngọn sóng... của Tổ quốc”. |
Bằng xúc cảm mãnh liệt và sự chuyên nghiệp của mình, ông Xuể đã tái hiện trọn vẹn sự dũng cảm, ý chí của các chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam trên các đảo trong tác phẩm của mình. Những bức ảnh này sau đó đã trở thành biểu tượng cho Trường Sa ngày giải phóng. |
![]() |
Bộc bạch về những năm tháng gắn bó với nghề, ông Xuể chiêm nghiệm: Đứng trước những thời khắc lịch sử, thời gian không có nhiều cho mình lựa chọn, chụp dễ nhưng khó là ý tưởng. Thách thức chính là làm sao để có những tác phẩm khác lạ. Do đó, tạo sự kiện trong làm báo đã khó, thích ứng với sự kiện càng khó hơn nữa. Nếu không sáng tạo, làm báo giống nhau sẽ trở thành anh thợ. “Chúng tôi may mắn được trải qua những cuộc chiến tranh đặc biệt của dân tộc, những người làm báo cũng được tôi luyện qua những thử thách rất đặc biệt. Được sống và lăn lội thực sự với nghề là ký ức đáng quý, mang lại kinh nghiệm vô giá trong cuộc đời làm nghề của mình” – ông Xuể tâm sự. Chia sẻ những kinh nghiệm về nghề, ông Xuể cho biết: “Người phóng viên phải độc lập, nhanh nhạy để phản ứng trước mỗi tình huống phát sinh. Phẩm chất đó phải thường trực và trở thành bản lĩnh nghề. Người chiến sĩ cầm máy ảnh cũng giống như người lính ra trận, sẽ có nhiều tình huống ngoài dự đoán, khó ngờ. Nhưng chính khó khăn đó sẽ thể hiện được trách nhiệm bản lĩnh nghề nghiệp”. |
Chia sẻ những kinh nghiệm về nghề, ông Xuể cho biết: “Người phóng viên phải độc lập, nhanh nhạy để phản ứng trước mỗi tình huống phát sinh. Phẩm chất đó phải thường trực và trở thành bản lĩnh nghề. Người chiến sĩ cầm máy ảnh cũng giống như người lính ra trận, sẽ có nhiều tình huống ngoài dự đoán, khó ngờ. Nhưng chính khó khăn đó sẽ thể hiện được trách nhiệm bản lĩnh nghề nghiệp”. Đã 46 năm trôi qua, tuy nhiên, với ông Xuể, Trường Sa vẫn luôn là đề tài hấp dẫn, đấy tính thời sự nhưng cũng là một trong những đề tài đầy thách thức. “Thời tôi ra nó hoang sơ lắm, làm sao để thể hiện được chủ quyền trên sự hoang sơ ấy là một thách thức đối với tôi. Nhưng bây giờ, hiện thực lúc đó đã không còn, do đó, phải có một khao khát mãnh liệt, một tư duy khác lạ đồng nghiệp mới tìm được ra cái mới, cái hay để khai thác, xoáy sâu. Đó cũng là thách thức đối với nhà báo hiện thời. Tuy nhiên, sự hùng vĩ của biển trời ở vị trí tiền tiêu, cốt cách khiêm nhường của người lính, người dân trên đảo nhỏ Trường Sa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tinh thần sáng tạo của nhà báo” – ông Xuể trải lòng. | ![]() |
Với thế hệ phóng viên chiến trường, ở giây phút cận kề sự sống và cái chết, xung quanh là bom đạn, là cảnh tang thương, không được phép nao núng, mà trái lại họ phải càng hăng hái tác nghiệp. Không chỉ là ký ức, là nhiệm vụ, những năm tháng được sinh tử với nghề của ông Xuể, ông Tính, tất cả vẫn như mới hôm qua, vẫn luôn luôn nóng bỏng, luôn luôn cuốn hút hậu thế. Những hình ảnh về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi là dấu mốc trong lịch sử nghề của các nhà báo và cao hơn đó còn là lịch sử của đất nước. |
Thực hiện: Đỗ Nga - Thu Thuỷ |