Nhắc tới kỹ sư Bàng Trúc Lâm (sinh năm 1962), thì không chỉ cán bộ, công nhân viên Công ty Thuốc Lá Thăng Long biết đến mà đối với người lao động Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng không xa lạ. Bởi với lòng yêu nghề và đam mê công việc, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Kỹ sư Bàng Trúc Lâm (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật cho đồng nghiệp |
"Là cán bộ kỹ thuật, hưởng ứng phong trào thi đua, tôi luôn học hỏi, tìm tòi phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng hóa sản phẩm của công ty, đồng thời tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh" - anh Lâm chia sẻ.
Theo anh, nhiệm vụ sản xuất ngày càng tăng cao, đòi hỏi những công nhân lao động phải nỗ lực phấn đấu học hỏi để làm chủ máy móc, thiết bị mới, cải tiến những máy cũ, thiết kế mới tự động hóa dây chuyền sản xuất cũ, thiết kế chuyển đổi máy phục vụ nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm theo yêu cầu. Do đó công tác sáng kiến, cải tiến cần được phát động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công nhân viên, đặc biệt trong lực lượng kỹ thuật, sửa chữa, dẫn máy tại các khâu. Trong 5 năm qua, kỹ sư Lâm đã tham gia 8 sáng kiến: Thiết kế chế tạo hệ thống tự động chuyển bao từ máy bóng kính bao sang máy đóng tút; cải tiến máy HLP sản xuất mẫu bao hai ruột cho sản phẩm bao Thăng Long 60mm; chế tạo hệ thống tự động chuyển bao vào máy dán tem Decan và đầu ra chuyền vào máy đóng bóng kính bao… Những sáng kiến này hiện vẫn đang sử dụng hiệu quả, làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty.
Để có được những thành công trên, kỹ sư Bàng Trúc Lâm đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt nguyên lý làm việc của một cơ cấu hay bộ phận máy. Đồng thời, phân tích tác động, ảnh hưởng, nhiệm vụ của chi tiết hoặc cơ cấu máy đến đối tượng gia công… "Phần thưởng cho những người lao động kỹ thuật là niềm vui khi nhìn máy móc vận hành trơn tru, đúng theo mong muốn, ý tưởng và chính mình có một phần công sức đóng góp" - kỹ sư Lâm bày tỏ.
Đào tạo đội ngũ kế cận
Không chỉ nghiên cứu thành công nhiều đề tài, sáng kiến, anh Bàng Trúc Lâm luôn khuyến khích, động viên đồng nghiệp, đặc biệt là các kỹ sư trẻ tham gia phong trào Lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Với nhân viên, anh sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau cập nhật các tài liệu kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, áp dụng trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Hơn 30 năm công tác, anh đã kèm cặp, đào tạo được trên 300 công nhân, lao động. Phần lớn những lao động mới được đào tạo đều là những lao động trẻ, chưa có tay nghề, một số khác là lao động đang làm việc tại công ty nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, chưa thích ứng được với những thay đổi về máy móc, kỹ thuật, công nghệ. Nhận được sự hướng dẫn tận tình của một người thầy giỏi cùng khả năng học hỏi nắm bắt công việc nhanh, đến nay, những lao động được anh Lâm đào tạo đã có tay nghề, thành thạo trong công việc. Hiện tại, anh Lâm cũng đang đào tạo nhiều lao động cho công ty.
"Dù có thể làm việc độc lập nhưng tôi nhận thấy, có những sáng kiến, giải pháp không thể làm một mình mà cần có sự hỗ trợ của đồng nghiệp để đưa ra giải pháp tối ưu. Hơn nữa, ai cũng đến lúc già đi, đào tạo đội ngũ kế cận là công việc rất cần thiết" - kỹ sư Lâm chia sẻ.
Kỹ sư Bàng Trúc Lâm đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 10 Bằng Lao động sáng tạo, được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |