Thứ sáu 08/11/2024 03:32

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Ngày 17/1, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao: nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình.

Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; các thành viên, đại diện gia đình thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại biểu bạn bè quốc tế; đại diện một số Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các cán bộ Bộ Ngoại giao.

Từng bước xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc cùng với những bài học lịch sử của Hội nghị Paris, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; từng bước xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris

Bộ trưởng nhắc lại, từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, có chính trị- xã hội ổn định, có nền kinh tế phát triển năng động, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Những thành tựu to lớn này càng minh chứng cho ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris và giá trị của chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM...

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, thế giới đang trải qua những biến động lớn và rất phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng chung, tha thiết của các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

"Đã từng trải qua nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới" - Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và tinh thần Hội nghị Paris, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tại lễ kỷ niệm, bà Hélène Luc - Thượng Nghị sỹ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt cho biết, dù 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973, nhưng những tình cảm và niềm vui trong bà vẫn vẹn nguyên.

Bà Hélène Luc cho rằng, toàn thể thế giới đã hân hoan chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam, chiến thắng đúc kết từ tinh thần anh dũng của nhân dân và từ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bà Hélène Luc nhắc lại, “tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông, nụ cười của ông Lê Đức Thọ thoáng chút lo âu. Ông là người phụ trách liên lạc giữa Hà Nội và thành phố Choisy Le Roi (nơi ở của hai đoàn đàm phán). Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt xinh đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình.”

Bên cạnh đó, sự phối hợp chí tình, khăng khít giữa đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Đảng Cộng sản Pháp: “Cụ thể cần đảm bảo các điều kiện ăn ở, làm việc tốt nhất cho các đoàn đàm phán với các thành viên đang phải sống xa gia đình. Hơn nữa, cần phát động phong trào đoàn kết để ủng hộ đoàn đàm phán. Điều này không chỉ nhằm khích lệ tinh thần của đoàn, mà còn chỉ rõ cho người Mỹ thấy sự ủng hộ, không chỉ của Pháp, mà còn của cả châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới cho nhân dân Việt Nam.”

Bà Hélène Luc nhấn mạnh sự ủng hộ của chính trị gia và nhân dân nước Pháp dành cho phái đoàn Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Paris. Chính Tướng Charles De Gaulle, người từng chịu trách nhiệm khi để nổ ra chiến tranh Đông Dương năm 1954, đã cảnh báo Tổng thống Mỹ: “Các ông đừng phiêu lưu trong cuộc chiến này, sẽ chẳng bao giờ thắng được đâu!”. Ông cũng đã dành sự hỗ trợ quý báu dành cho Phái đoàn Việt Nam về chính trị với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Froment Maurice và Bộ trưởng Ngoại giao Maurice Schumann và sự ủng hộ về vật chất và an ninh cho phái đoàn.

Năm 1968, tại Pháp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là ngày chống chủ nghĩa thực dân 17-18/1 quy tụ 60.000 người tại khu La-tinh (quận 5-6 tại Paris). Trong tất cả các cuộc biểu tình, khẩu hiệu “Hồ Chí Minh sẽ thắng, Hòa bình cho Việt Nam” đều được hô vang. Nhà sử học-văn hóa Jean Francois Sirinelli đã nói “Chiến tranh Việt Nam là một sự kiện quốc tế có tiếng vang trên toàn thế giới xét về tính chất và độ dài của cuộc chiến”.

Vào ngày 27/1/1973, khi thông báo được chờ đợi vang lên trên các phương tiện truyền thông, Hội đồng Thành phố Choisy-le-Roi đã nhóm họp. Thị trưởng Louis Luc báo tin vui và tuyên bố: “Xin vinh danh những người chiến sĩ Việt Nam anh dũng cũng như tất cả những người đã ủng hộ họ. Tôi thấy rằng chúng tôi nợ dân tộc Việt Nam của các bạn, một dân tộc từ lâu bị áp bức dưới danh nghĩa nước Pháp, sắp tới chúng tôi sẽ giúp Việt Nam tái thiết”.

Và những ngày sau đó, Choisy-le-Roy kết nghĩa với Đống Đa, quận bị tàn phá gần như hoàn toàn trong các trận oanh tạc, và chỉ vài tháng sau, một trại trẻ mồ côi và một trường học đã được xây lại.

Ngày 2/9/1978, ngày Hà Nội hân hoan đón mừng Bắc Nam sum họp, phái đoàn Thành phố Choisy-le-Roy do Thị trưởng Louis Luc dẫn đầu đã tới tại Hà Nội, và có cuộc hội ngộ đầy cảm xúc với Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ. Tướng Giáp ôm lấy chúng tôi nói: “Mỹ có 543.000 quân ta có 86.000 quân, nhưng chúng ta chiến thắng vì chúng ta có chính nghĩa.”

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình cho biết, bà rất vinh dự đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Bà nhớ lại cuối 1968, bà đã nhận được chỉ thị của Đảng tham gia đàm phán ở Paris. Bà bày tỏ niềm xúc động và lòng cảm ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã giao cho bà trọng trách lớn là tham gia cuộc đàm phán ở Paris. Trải qua hơn bốn năm đàm phán, bà đã hoàn thành nhiệm vụ là một trong bốn người ký vào Hiệp định Paris. “Hiệp định Paris là một thắng lợi mang tính quyết định đưa đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc. Nhân Lễ kỷ niệm này, tôi xin tri ân các chiến sĩ, đồng bào, đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước" - Bà Nguyễn Thị Bình cho hay.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: "Hiệp định Paris là thắng lợi về mặt quân sự, chính trị và ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam. Đó là kết quả của sự đoàn kết ủng hộ hết sức mạnh mẽ của của thế giới, đem lại sức mạnh cho Việt Nam ở trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán. Tôi xin thay mặt cho nhân dân Việt Nam gửi đến đại biểu đại diện phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam lời cảm ơn chân thành".

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng cho rằng, yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi của Hiệp định Paris là sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bà bày tỏ sự tin tưởng rằng với sự lãnh đạo sáng suốt, truyền thống chiến đấu của dân tộc Việt Nam, Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris

Pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thứ nhất, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc nhất quán, vừa là bài học lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris nói riêng.

Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc kết hợp với sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.

Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mục tiêu và nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia. Sách lược của chúng ta là “vừa đánh, vừa đàm”, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược.

Thứ tư, bài học về phong cách, nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh như bài học về nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”; về biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng; về tạo dựng và nắm bắt thời cơ để chuyển hóa thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán; về kết hợp tài tình giữa chiến lược và sách lược, giữa chính trị-quân sự và ngoại giao, giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa các lực lượng ngoại giao của miền Bắc và miền Nam, tuy hai mà một, tuy một mà hai,...

Thứ năm, bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Từ Hội nghị Geveva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có phẩm chất cách mạng, được trang bị kiến thức đối ngoại, phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật đàm phán. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa, rèn luyện và tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ xuất sắc tham gia mặt trận ngoại giao, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris.

Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá chính xác thực tiễn cách mạng trong nước và tình hình quốc tế, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Việc ký kết Hiệp định Paris cũng là bước ngoặt lịch sử, khẳng định thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến đại thắng mùa Xuân 1975.

Hà Hương
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Ngoại giao

Tin cùng chuyên mục

Bầu cử Mỹ 2024: Đã hoàn thành toàn bộ công tác kiểm phiếu

Cựu Thủ tướng Australia xóa bài đăng chỉ trích ông Donald Trump

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 7/11/2024: Cuộc xung đột Ukraine sắp tới hồi kết?

Điểm tin nóng thế giới ngày 7/11: Châu Âu chuẩn bị cho thời kỳ Trump 2.0; Nga thắng lớn ở Donetsk

Mỹ 'rót' viện trợ khủng cho Ukraine trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Đòn chiến thuật mới từ việc Nga dùng biến thể tên lửa Kh-59

18 năm Việt Nam gia nhập WTO: Bước ngoặt lớn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI

Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris tuyên bố 'không bỏ cuộc'

Chiến sự Nga-Ukraine 7/11/2024: Ranh giới đỏ cho ông Zelensky và ông Trump; số quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 7/11: 30.000 lính Ukraine bỏ mạng ở Kursk; Kiev đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Nga

Châu Âu hậu chiến thắng của ông Donald Trump: Hai thái cực khó lường

Chiến sự Nga-Ukraine tối 6/11: Nga pháo kích kinh hoàng, quyết ‘triệt đường lui’ của Kiev ở Kursk

Bầu cử Mỹ 2024: 5 điểm nhấn trong chiến thắng của ông Trump

Chuyên gia nói gì về tác động chiến thắng của ông Trump tới giá dầu

Ukraine 'cấp tốc' chuẩn bị chiến lược mới khi ông Donald Trump tái đắc cử

Tổng thống Ukraine Zelensky gửi lời chúc mừng ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Những tuyên bố ‘gây sốc’ của ông Trump về chiến sự Nga-Ukraine

Bầu cử Mỹ 2024: Phản ứng của lãnh đạo thế giới trước việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump tuyên bố 'đại thắng' sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ?

Phương Tây không đủ sức hỗ trợ Ukraine; Kiev sẽ sử dụng UAV mang vũ khí hóa học