“Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những tư duy chiến lược về kinh tế biển, đảo |
Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam (25-8-1911/25-8-2022), là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tri ân vị tướng xuất chúng của dân tộc và thế giới.
Với tôi, từ một cán bộ cơ sở trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, rồi sau này là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ở cương vị nào tôi cũng vinh dự được Đại tướng chỉ dạy. Nhớ lại những năm tháng hoạt động cách mạng, tôi càng cảm thấy thấm thía hơn tầm nhìn xa trông rộng và tư duy sáng suốt của một vị tướng tài đức vẹn toàn.
Kỷ niệm sâu sắc đầu tiên của tôi về Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Lúc ấy tôi là cán bộ đại đội của Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101, Đại đoàn 325. Theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Tiểu đoàn 436 lấy phiên hiệu là “Chí Long” tách ra khỏi đội hình của Trung đoàn 101, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, làm nhiệm vụ thọc sâu đánh địch ở chiến trường Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là phối hợp phân tán lực lượng địch, không cho chúng tập trung lên chiến trường Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho lực lượng ta tham gia Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) tiến công địch giành thắng lợi. Lúc này, Tiểu đoàn 436 là tiểu đoàn tăng cường nên quân số nhiều gần bằng hai tiểu đoàn trong biên chế, được trang bị đầy đủ vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, có cả máy thông tin liên lạc đường dài, đội phẫu thuật quân y, được cấp 1 triệu đồng tiền Đông Dương để tự túc hậu cần.
Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, đơn vị rất phấn khởi nhận được bức thư viết tay của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong thư, Đại tướng dặn dò: “... Các đồng chí lần này đi làm nhiệm vụ yêu nước và quốc tế rất gian khổ, nhưng rất vẻ vang. Phương châm hoạt động là: Quân sự và chính trị song song; củng cố và phát triển song song; độc lập hoạt động, tự lực, tự cường và tự túc; chiến trường không hạn chế; thời gian không hạn định. Chúc các đồng chí đã đi là chiến thắng, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”. Lời dặn dò đó cũng là mệnh lệnh, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 436 bền bỉ, kiên cường, tự tin vượt qua nhiều gian khổ hy sinh, anh dũng chiến đấu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai, từ trái sang) trên tàu hải quân, tháng 3-1973. Ảnh tư liệu |
Hơn một tháng rưỡi hành quân xẻ dọc dãy Trường Sơn, vượt qua núi cao, vực thẳm, sông sâu, đến những ngày độc lập chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ trên chiến trường đất nước bạn đều diễn ra theo đúng chỉ đạo của Đại tướng. Với “chiến trường không hạn chế”, tiểu đoàn đã liên tục thọc sâu vào địa bàn không quen thuộc, vượt qua vùng địch chiếm, không có cơ sở cách mạng, tự tìm mục tiêu, tự lập kế hoạch đánh địch, vừa chiến đấu, vừa củng cố lực lượng; vừa hoạt động quân sự, vừa góp phần giúp nước bạn xây dựng cơ sở cách mạng suốt từ Hạ Lào đến Đông Bắc Campuchia. Đối với tôi, một cán bộ quân sự được chỉ định phụ trách công tác hậu cần của Tiểu đoàn 436, càng thấm thía với lời chỉ đạo: “Độc lập hoạt động, tự lực, tự cường và tự túc” của Đại tướng.
Do độc lập chiến đấu ở chiến trường mới lạ, lại xa Tổ quốc, ngôn ngữ bất đồng, không có cung cấp của trên, Tiểu đoàn 436 phải tự túc hoàn toàn về hậu cần. Ngay khi đang hành quân trên dãy Trường Sơn, theo kế hoạch, khi đến nửa chặng đường hành quân sẽ được tiếp tế bổ sung lương thực để đi tiếp, nhưng đã quá nửa chặng, vẫn chưa có tiếp tế, lương thực thì đã cạn. Nhớ hai chữ “tự túc” trong thư của Đại tướng, Tiểu đoàn 436 đã chủ động kế hoạch ngày đi, đêm nghỉ lại những nơi có làng, bản để vận động đồng bào bán thóc gạo nên đã giải quyết được phần nào. Càng đi sâu vào chiến trường trên đất bạn càng thêm khó khăn. Lúc này, nguồn bảo đảm hậu cần chỉ có hai cách: Một là, vận động mua trong dân, nhưng ở nông thôn nước bạn lúc này cũng là kinh tế tự cung, tự cấp, không có buôn bán, chợ búa, mùa khô và mùa giáp hạt đến, cây cối trụi lá, khó tìm ra gạo để mua. Hai là, đánh địch để lấy lương thực và súng đạn. Có những ngày, gạo không đủ ăn, bộ đội phải ăn độn củ nần. Củ nần như củ ráy ở giữa rừng, luộc đi luộc lại nhiều lần vẫn không hết ngứa, vậy mà phải ăn cho no bụng chứ chẳng hề có chất dinh dưỡng.
Lúc đầu tôi chưa hình dung hết hai chữ “tự túc”, nhưng đến lúc ấy tôi càng thấm thía lời chỉ dẫn trước khi đơn vị lên đường của Đại tướng. Trong thời điểm khó khăn đó, nhớ lời chỉ huấn của Đại tướng, Tổng tư lệnh: “Độc lập hoạt động, tự lực, tự cường và tự túc”, những người phụ trách hậu cần cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 436 mới lường trước được những khó khăn, tự lực, tự cường chủ động mọi biện pháp bảo đảm tự túc hậu cần cho Tiểu đoàn 436 chiến đấu giành thắng lợi. 10 ngày đầu chiến đấu, Tiểu đoàn 436 cùng quân, dân Hạ Lào đã giành được thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch, giải phóng 2 vạn ki-lô-mét vuông với 30 vạn dân. Tiếp đó đơn vị cùng quân, dân nước bạn liên tục kiên cường chiến đấu giành nhiều thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp, kìm giữ chân 2 binh đoàn cơ động của quân Pháp (GM7 và GM51), không cho chúng tập trung về chiến trường Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của đơn vị chứng tỏ quyết định điều Tiểu đoàn 436 chiến đấu thọc sâu vào chiến trường Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia nhằm phân tán địch, không cho chúng tập trung lực lượng cho chiến trường Điện Biên Phủ là quyết định hết sức táo bạo và sáng suốt của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Sau này, công tác ở Quân chủng Hải quân, tôi có kỷ niệm sâu sắc về những lời chỉ đạo ân cần, sáng suốt của Đại tướng. Nhân dịp Hội thảo kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 / 7-5-1995), lúc đó tôi giữ cương vị Tư lệnh Quân chủng, trong bức thư gửi hội thảo, Đại tướng viết: “Biển của ta có ý nghĩa to lớn với tiền đồ phát triển của đất nước và do đó cũng trở thành mục tiêu tranh giành, lấn chiếm, cướp đoạt của nhiều thế lực khác nhau. Nếu ta có nhận thức đầy đủ rằng: Biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại thế kỷ 21 thì sẽ thấy tầm chiến lược to lớn của vấn đề biển, bảo vệ biển đi đôi với thăm dò nghiên cứu và phát triển tài nguyên với nước ta là quan trọng nhường nào. Tôi mong rằng các đồng chí nhận thức đầy đủ hơn về tầm chiến lược của vấn đề. Trên cơ sở đó đề ra những bước xây dựng và phát triển Hải quân nhân dân Việt Nam trong những năm trước mắt, đồng thời có những suy nghĩ và hướng tiếp tục nghiên cứu cho những bước tiếp theo; nghiên cứu sự kết hợp giữa quốc phòng và kinh tế, kinh tế và quốc phòng. Tôi chỉ nêu một ý kiến là việc phát triển Quân chủng Hải quân cần đặt trong khuôn khổ của thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, càng không thể tách rời sự tăng trưởng nhịp độ phát triển nền kinh tế ven biển và trên biển gần và xa”.
Những ý kiến quý báu của Đại tướng đã vạch rõ nhiệm vụ, đường hướng xây dựng, phát triển lực lượng hải quân không chỉ ở thời điểm đó mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những lời chỉ bảo của Đại tướng đã giúp Quân chủng hải quân nhận thức sáng rõ về nhiệm vụ, về tổ chức xây dựng lực lượng; nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao; thực hiện xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển; thực hiện hoạt động quốc phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo kết hợp hỗ trợ phát triển kinh tế biển và tổ chức hoạt động kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc... xứng đáng với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Một dịp khác, tôi được tiếp xúc và nghe những lời căn dặn khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Sau khi ân cần thăm hỏi tôi về tình hình của Quân chủng Hải quân, Đại tướng nói: "Trải qua 40 năm xây dựng và chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã trưởng thành nhiều, lập được nhiều chiến công và thành tích to lớn, nhưng trước mắt và cả lâu dài, nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc còn rất nặng nề, khó khăn, gian khổ, các đồng chí hải quân phải chăm lo xây dựng hơn nữa cả về quân sự, chính trị và mọi mặt để bộ đội có đủ sức làm nhiệm vụ. Hải quân không những làm nhiệm vụ quân sự, chiến đấu mà còn phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong công tác quốc phòng, an ninh ở hướng biển và phát triển kinh tế biển. Làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay không những tích cực, chủ động, kiên cường, dũng cảm mà phải đề cao cảnh giác, bình tĩnh xử lý trước mọi nhạy cảm của tình hình".
Tôi vô cùng cảm động trước sự quan tâm chân tình và lớn lao của Đại tướng dành cho Quân chủng Hải quân. Đại tướng là người đề xuất và quyết định thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam; trực tiếp chăm lo xây dựng lực lượng; chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động, xây dựng và chiến đấu của hải quân ngay từ những ngày đầu thành lập. Khi tuổi đã cao, Đại tướng vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho Bộ đội Hải quân. Đặc biệt hiện nay, khi tình hình trên biển diễn biến phức tạp, khó lường thì những chỉ huấn của Đại tướng: “Phải đề cao cảnh giác, bình tĩnh xử lý trước mọi nhạy cảm của tình hình” càng có giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc...