EVN tăng cường quản lý vận hành hệ thống điện hợp lý, góp phần giảm tổn thất điện năng |
Tăng cường đầu tư, vận hành hiệu quả
Ông Lê Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất (EVN) - cho biết, để thực hiện giảm TTĐN, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải từ 110 - 500kV, cũng như tăng cường đầu tư cải tạo lưới điện, chống quá tải, từng bước hiện đại hóa lưới điện, bảo đảm mức mang tải hợp lý của thiết bị giảm TTĐN... Đồng thời, tăng cường quản lý vận hành hệ thống điện hợp lý.
Theo kế hoạch, trong năm 2016, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ hoàn thành xây dựng mới và cải tạo 68 công trình lưới điện truyền tải 500kV với tổng chiều dài khoảng 3.465km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 25.000MVA; 315 công trình lưới điện truyền tải 220kV với tổng chiều dài khoảng 7.583km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 35.340MVA.
Còn tại Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), trong năm nay, đơn vị cũng đã thực hiện nâng cấp 258/539 tuyến dây trung thế và đặt mục tiêu hoàn tất nâng cấp điện áp lưới trung thế cho tất cả các tuyến đường dây trong năm 2017. Đối với các công trình đầu tư xây dựng mới trạm biến áp trung gian 220kV, 110kV, đường dây trung thế, trạm biến áp phân phối đều có tính toán và lắp đặt tụ bù hợp lý, hiệu quả nhất.
Về quản lý vận hành, EVN đã thực hiện vận hành tối ưu hệ thống điện với phương thức có TTĐN nhỏ nhất, bảo đảm chất lượng điện áp vận hành, thực hiện cân bằng pha, bảo dưỡng lưới điện ngăn ngừa sự cố. Về quản lý kinh doanh, EVN thực hiện đúng việc thay thế định kỳ công tơ, TU, TI, trang bị công tơ điện tử chất lượng cao, thực hiện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương trong tuyên truyền và xử lý vi phạm sử dụng điện.
Những kết quả đáng ghi nhận
Theo ông Hùng, trong giai đoạn 2011 - 2015, dù còn nhiều khó khăn như sản lượng truyền tải điện trên hệ thống 500kV Bắc - Nam luôn ở mức cao; nguồn vốn đầu tư sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn còn khó khăn, tình trạng trộm cắp điện, gian lận vẫn còn diễn ra phổ biến... Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tỷ lệ TTĐN của EVN đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 7,94% vào năm 2015, vượt mức chỉ tiêu Chính phủ giao là 8%. Đặc biệt, nhiều tổng công ty điện lực đã có mức giảm tổn thất tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.
Cụ thể, trong khối truyền tải, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) mặc dù có khối lượng đường dây, trạm biến áp lớn; sản lượng truyền tải chiếm hơn 50% sản lượng điện toàn quốc nhưng với nhiều biện pháp đồng bộ nên tỷ lệ TTĐN năm 2015 đạt 1,3%, thấp hơn mức trung bình của EVNNPT tới trên 0,7%. Trong sáu tháng đầu năm 2016, tỷ lệ tổn thất còn 1,2%, giảm 0,17% so với cùng kỳ. Ở khối phân phối, EVNHCMC nổi lên như một điểm sáng trong công tác giảm TTĐN với kết quả đạt được năm 2015 là 4,66% (năm 2010 là 5,76%). Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ tổn thất chung toàn Tổng công ty đạt 4,36%, thấp hơn chỉ tiêu được giao 0,22%.
Tại hội nghị về công tác giảm TTĐN mới đây, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN - cho rằng, với sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt khoảng 160 tỷ kWh, chỉ cần giảm tổn thất 1% thì đã làm lợi cho ngành điện hàng nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, giảm TTĐN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVN trong giai đoạn tới.
Mục tiêu của EVN đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là giảm tỷ lệ TTĐN về mức 6,5% ngang bằng với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp về tổ chức, quản lý kỹ thuật, vận hành, quản lý kinh doanh thì giải pháp đầu tư xây dựng lưới điện có vai trò rất quan trọng. |
Kỳ III: còn nhiều thách thức
TIN LIÊN QUAN | |
Kỳ I: Hệ lụy từ tổn thất điện năng |