Quy hoạch cụm công nghiệp cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế |
Theo báo cáo của các địa phương, phần lớn CCN được hình thành từ trước khi có Quy chế quản lý CCN, ban hành theo Quyết định số 105/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 105). Vì vậy, tại nhiều địa phương, CCN phát triển một cách tự phát, ồ ạt. Gần như tỉnh, huyện nào thậm chí đến xã đều đã hoặc có chủ trương hình thành CCN. Thậm chí, chỉ 1-2 cơ sở sản xuất cũng hình thành CCN.
Thực tế này khiến không ít địa phương phải điều chỉnh lại quy hoạch CCN. Ông Lê Trọng Hậu - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho biết, trước thời điểm Quyết định 105 được ban hành, tỉnh đã quy hoạch tới 100 CCN, hầu hết manh mún, nhỏ lẻ. Thậm chí, không ít CCN mặc dù đã được quy hoạch nhưng không khả thi. Đến nay, sau 2 lần thực hiện rà soát, Thanh Hóa vẫn còn tổng cộng 57 CCN.
Tại tỉnh Quảng Ninh - một trong số các tỉnh sớm có quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, thế nhưng lần điều chỉnh, bổ sung gần đây nhất, Quảng Ninh đã phải đưa ra khỏi quy hoạch 35 CCN với tổng diện tích 1.051,66 ha, chỉ giữ nguyên 2 cụm; điều chỉnh về quy mô diện tích 5 cụm và bổ sung 6 cụm. Như vậy, theo quy hoạch mới đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 13 CCN và tầm nhìn đến năm 2030 là 19 cụm.
Bắc Giang có 29 CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành, diện tích nhỏ hơn 75ha, do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư… Hầu hết các CCN này khó thu hút nhà đầu tư. Nhằm giải quyết vấn đề này, tỉnh đã ra quyết định thành lập 28 CCN để có tên gọi, đồng thời thuận tiện cho việc quản lý, triển khai các bước đầu tư xây dựng, phát triển CCN. Mặc dù đã nhanh chóng triển khai Quy chế quản lý CCN 105, tạo điều kiện cho CCN hút vốn đầu tư, tuy nhiên việc quản lý cũng như phát triển CCN còn nhiều bất cập. Năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã điều chỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch phát triển 9 CCN với tổng diện tích 227ha; điều chỉnh thu hẹp diện tích 6 CCN với tổng diện tích được điều chỉnh là 79,92ha.
Sau khi thực hiện rà soát theo Quyết định số 105, Hải Dương còn 30/36 CCN đang hoạt động nhưng chỉ có 4 CCN: Ba Hàng (TP. Hải Dương); Lương Điền; Dịch vụ thương mại và làng nghề Lương Điền (huyện Cẩm Giàng) và CCN Đồng Lạc (thị xã Chí Linh) có doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong 4 cụm này, duy nhất cụm Lương Điền đã xây dựng xong hệ thống đường giao thông, thoát nước các cụm còn lại vẫn chưa hoàn thiện. Đáng nói, CCN duy nhất đã đầu tư cơ sở hạ tầng lại không thu hút được doanh nghiệp đầu tư thứ cấp, khiến nhà đầu tư sơ cấp “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng điển hình. Tình trạng phát triển ồ ạt và thiếu kiểm soát các CCN đã gây không ít hệ lụy. Đa số CCN tại các địa phương chưa hoàn thiện hạ tầng, nhiều CCN thủ tục đầu tư chưa hoàn chỉnh… Trong tổng số 616 CCN trên cả nước đã hoạt động, chỉ có 66 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung. Thậm chí, một số địa phương chưa có CCN nào xây dựng hệ thống này.
Tuy nhiên, nghịch lý “thiếu - thừa” trong phát triển các CCN còn khá bức xúc. Bên cạnh nhiều CCN bỏ đất trống, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư sơ cấp, thứ cấp, thì tại một số nơi, nhiều làng nghề có nhu cầu bức thiết muốn thành lập CCN như Lộng Thượng (Hưng Yên) lại không có quỹ đất sạch hay muốn mở rộng mà bất khả kháng như CCN Xuân Tiến (Nam Định)…
Quy hoạch đến năm 2020, cả nước có 1.596 CCN với tổng diện tích khoảng 50.656 ha, bình quân 32 ha/CCN. Trong đó, 590 CCN có quyết định thành lập, 660 cụm được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 616 CCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của CCN chỉ đạt 58%. |
TIN LIÊN QUAN | |
Kỳ I: Nhu cầu bức thiết |
Kỳ III: Bất cập từ chính sách