![]() |
Hồ thủy điện Buôn Tua Srah duy trì xả nước 50m3/s |
Sản xuất, sinh hoạt gặp khó
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đợt El Nino 2014- 2016 có ảnh hưởng lớn nhất ở nước ta trong vòng 60 năm qua, khiến tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài, diễn ra trên diện rộng; tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng cũng ảnh hưởng tới nhiều khu vực. Đặc biệt là tình trạng khan hiếm nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng trầm trọng.
Trên con đường về một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đầu mùa khô 2016, ở những nơi không nằm trong lưu vực các sông hồ thủy điện, chúng tôi nhận thấy có nhiều khu ruộng bị bỏ hoang do thiếu nước, những vườn cà phê, những cánh rừng xơ xác. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, những người nông dân mặt khắc khổ, ướt đẫm mồ hôi hì hục nối dài những mét ống to cỡ cả bắp chân, huy động những chiếc công nông chạy dầu để bơm nước...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Cúc - một cư dân ở thôn Nam Xuân, xã Năm Dnia, huyện Krông Nô, Đăk Nông - cho biết, cách đây 3 năm, nguồn nước còn tương đối dồi dào, vườn cà phê của gia đình ông không phải lo nước tưới. Hai ba hộ cùng khoan 1 giếng nước với độ sâu vài ba chục mét là có nước. Hiện nay nhà nào cũng phải khoan 1 giếng, nhiều giếng khoan tới 100m mà vẫn chưa thấy nước... Không có nước, nhiều người không còn mặn mà với cây công nghiệp dài ngày. Ông Cúc đang tính chuyển đổi sang cây trồng khác cần ít nước như cây ngô. “Dù sao chúng tôi cũng may mắn hơn những nơi khác vì có nguồn nước từ hồ thủy điện Buôn Tua Srah”- ông Cúc chia sẻ
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong các tháng mùa khô năm 2015, nhiều tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có trên 54.000 ha đất lúa bị hạn nặng. Ngoài ra, có hàng trăm nghìn người lâm vào cảnh thiếu nguồn nước ăn và nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt là hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nỗi lo thiếu nước
Trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện trên cả nước gặp nhiều khó khăn, nhất là các hồ ở miền Trung - Tây Nguyên. Theo thống kê của EVN, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đơn cử như A Vương chỉ khoảng 8-10m3/s hồ Buôn Tua Srah khoảng 18m3/s, còn hai hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 lượng nước không đáng kể. Như vậy, tổng lượng nước thiếu hụt ở các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên - Nam Trung bộ từ 40- 60% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ trong suốt mùa mưa không xuất hiện lũ như Ialy, Pleikrong, A Vương, Sông Bung 4…
Mặc dù nhiều hồ thủy điện đã xin rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh nhiều lần dù giá rất cao, để tập trung tích nước từ 1- 3 tháng cuối mùa mưa năm 2015, nhưng tính đến tháng 3/2016, mực nước tại các hồ vẫn thiếu hụt nghiêm trọng và không đạt theo tính toán tại Quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghĩa là thấp hơn mực nước quy định từ 1- 10m.
Đơn cử như hồ A Vương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 đến 5,7m, thấp hơn mức nước tối thiểu của quy trình liên hồ 3,64m; hồ PleiKrông là 3,55m/1,05m, hồ Ialy là 8,58m/1,68m; hồ Sê San 4 là 4,94m/4,14m. Chỉ tính riêng trên lưu vực sông Sê San, tổng dung tích trong các hồ thấp hơn so với mực nước dâng bình thường khoảng 835 triệu m3, thấp hơn so với mực nước tối thiểu trong quy trình là 327 triệu m3...
Lượng nước thiếu hụt lớn nên việc bảo đảm cho các nhiệm vụ phát điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, vừa cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, đẩy mặn cho hạ du... rất khó khăn. |
Kỳ sau: Nỗ lực chống hạn