Đường ngoại lấn át
Tại cuộc Tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Cú hích phát triển ngành mía đường trong tình hình mới”, do Báo Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - cho biết: Ngay sau khi hội nhập ATIGA, từ tháng 2/2020, đã có một lượng đường nhập khẩu rất lớn (chủ yếu từ Thái Lan) tràn vào Việt Nam. Trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam (gồm cả nhập khẩu chính ngạch và đường lậu) lớn kỷ lục, ước tính tương đương với sản lượng đường của Việt Nam sản xuất được ở thời điểm đỉnh cao (khoảng 1,5 triệu tấn).
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - cho biết thêm: Kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy, lượng đường nhập khẩu chính thống từ Thái Lan vào Việt Nam năm 2020 ước tính khoảng 860.000 tấn, so với trước khi hội nhập ATIGA, tăng gấp khoảng 3,5 lần. Đây là một mức tăng nhập khẩu rất lớn và bất thường.
Điều đáng nói, là giá đường Thái Lan bán vào Việt Nam phá giá thấp hơn cả giá thành sản xuất ra 1 tấn đường. Trong khi Thái Lan bán phá giá đường vào Việt Nam với mức giá chỉ khoảng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thì người tiêu dùng của Thái Lan vẫn phải ăn đường Thái Lan với giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Trước sức ép của đường Thái Lan bán phá giá, hoặc vào Việt Nam theo con đường nhập lậu, gian lận thương mại thông qua Lào, Campuchia, đường sản xuất ở trong nước không thể cạnh tranh, không bán được, tồn kho lớn, nhiều nhà máy gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ. VSSA cho biết, trước đây, cả nước có khoảng 40 nhà máy đường hoạt động, mấy năm gần đây, đã có nhiều nhà máy phải đóng cửa, hiện chỉ còn khoảng hơn 20 nhà máy đường duy trì được hoạt động.
Ảnh minh họa |
Một lãnh đạo của VSSA phân tích: Sản lượng đường của Thái Lan sản xuất ra rất lớn, ước tính khoảng 15 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu nội địa của Thái Lan chỉ tiêu thụ khoảng 2 - 3 triệu tấn/năm. Lượng đường còn lại, Thái Lan đã tìm mọi cách để tiêu thụ ra bên ngoài, kể cả trợ cấp, bán phá giá, vi phạm các cam kết hội nhập ATIGA cũng như cam kết trong WTO. Từ năm 2018-2020 đến nay, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu, gian lận thương mại.
Xét về cơ hội mở rộng thị trường theo ATIGA, các doanh nghiệp đường Việt Nam không chỉ chưa thể mở rộng được thị phần, mà thị trường đường Việt Nam đã bị đường Thái Lan “xâm lược”, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất ở trong nước. Niên vụ mía đường 2016-2017, Việt Nam sản xuất đạt 15 triệu tấn mía, chế biến được khoảng 1,5 triệu tấn đường, thì đến niên vụ 2020-2021, sản lượng mía giảm chỉ còn khoảng 7 triệu tấn, lượng đường sản xuất chỉ đạt khoảng 700.000 tấn. Diện tích trồng mía trên cả nước từ gần 300.000 ha trước đây, nay đã giảm một nửa, chỉ còn khoảng trên dưới 120.000 ha.
Thua thiệt vì “chơi đẹp”
Để chuẩn bị hội nhập ATIGA, ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), cho biết: Công ty đã đầu tư nhà máy qui mô lớn 18.000 tấn mía/ngày, có khả năng nâng lên 25.000 tấn mía/ngày, với các thiết bị công nghệ mới và hiện đại nhất; đầu tư bài bản cho vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất, chất lượng mía, cơ giới hóa canh tác mía, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân; đa dạng hóa sản phẩm bên cạnh đường (sữa, bánh kẹo, điện sinh khối…); áp dụng quản trị doanh nghiệp và sản xuất theo các Tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Sản phẩm, năng lực sản xuất của QNS có đủ sức cạnh tranh ở trong nước cũng như hội nhập quốc tế.
Một lãnh đạo của VSSA, nhận xét: Trình độ canh tác mía, trình độ chế biến đường cũng như qui mô phát triển, năng lực cạnh tranh của QNS thuộc một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đường Việt Nam. Trình độ phát triển của QNS ngang tầm khu vực và châu Á. Thế nhưng, ông Võ Thành Đàng, cho biết, trong kế hoạch khai thác tiềm năng vùng nguyên liệu mía 40.000ha của công ty ở 4 huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, thì mới phát triển đến 30.000ha, hiện nay đã phải dừng lại, do sức ép của đường nhập khẩu từ Thái Lan được trợ cấp, bán phá giá hoặc nhập lậu, gian lận vào thị trường Việt Nam.
Sản xuất đường tại Nhà máy đường Sơn La |
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: So sánh với mặt bằng chung trong khối ASEAN, trình độ phát triển mía đường của Việt Nam ở mức trên trung bình khá. Ngoại trừ Thái Lan qui mô ngành mía đường lớn hơn, nhưng trình độ sản xuất nông nghiệp mía, trình độ chế biến đường của Thái Lan cũng không vượt quá Việt Nam. Trình độ chế biến đường của Việt Nam vượt hơn Indonessia, Philippines; trình độ sản xuất nông nghiệp mía của Việt Nam tương đương và có thể vượt hơn Indonesia và Philippines. Trong các nhà máy đường Việt Nam, có những nhà máy trình độ công nghệ hiện đại, năng lực chế biến ngang tầm khu vực và châu Á. |
Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mía đường Sơn La, phản ánh: Chuẩn bị cho hội nhập ATIGA, ngành mía đường Việt Nam nói chung, Công ty Cổ phần mía đường Sơn La nói riêng, đã có những bước đi rất vững chắc, bài bản. Căn cứ vào đặc trưng vùng miền, công ty đã đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ gắn liền với vùng nguyên liệu để tối ưu hóa sản xuất, tối ưu hóa khả năng cạnh tranh.
Sau 3 lần cải tiến, từ một nhà máy có qui mô trung bình, đến nay Nhà máy đường Sơn La đã đạt công suất 5.000 tấn mía/ngày, gắn bó với 10.000ha mía nguyên liệu, với 14.000 hộ nông dân trồng mía. Năng lực của Công ty Cổ phần mía đường Sơn La không thua kém các đối tác trong khu vực, nếu được cạnh tranh công bằng, sòng phẳng. Thế nhưng, Công ty cũng chưa thể tận dụng được cơ hội gì từ ATIGA, mà đã phải chịu sức ép cạnh tranh không lành mạnh từ đường nhập khẩu do được trợ cấp, bán phá giá, gian lận thương mại… bên ngoài (Thái Lan) tràn vào Việt Nam của đối tác trong khu vực.
Hội nhập ATIGA, dù đi sau, nhưng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện cam kết. Thế nhưng, theo ông Đặng Việt Anh, các quốc gia đi trước, thực chất họ chỉ hội nhập ATIGA trên danh nghĩa. Trong đó, Thái Lan đã có biện pháp triệt tiêu nhu cầu nhập khẩu đường. Hiện tất cả các chủ thể kinh doanh, tiêu thụ đường tại Thái Lan, muốn nhập khẩu đường phải thông qua 8 đầu mối do nhà nước chỉ định. Nếu 8 đầu mối này không có nhu cầu, thì không một quốc gia nào có thể bán được đường vào Thái Lan. Việt Nam và Thái Lan đều cam kết hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo WTO mỗi năm tăng 5%. Tính đến năm 2021, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan cam kết WTO là 108.000 tấn đường/năm, nhưng Thái Lan trong 10 năm vừa qua, họ mới chỉ cho nhập đường theo hạn ngạch thuế quan WTO khoảng vài trăm tấn.
Đối với Indonesia và Philippines, sản lượng đường sản xuất mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu nội địa. Hai nước này do có nhu cầu đường nên họ vẫn cho nhập khẩu đường tự do theo cam kết ATIGA, nhưng đường nhập khẩu vào Indonesia và Philippines muốn tiêu thụ trên thị trường nội địa của họ, phải có giấy phép của cơ quan chức năng, nếu không thì mãi mãi chỉ nằm trong kho ngoại quan. Như vậy, thực chất họ cũng chỉ hội nhập ATIGA trên danh nghĩa, vẫn ưu tiên hàng đầu cho sản phẩm đường sản xuất ở trong nước.
Ở khía cạnh khác, Lào và Campuchia cũng sản xuất đường, năng lực sản xuất của 2 nước này chỉ khoảng trên 100.000 tấn/năm, đủ phục vụ cho nhu cầu nội địa. Nhưng theo báo cáo của Thái Lan, mỗi năm Campuchia nhập khẩu khoảng 800.000 tấn đường của Thái Lan, Lào nhập khẩu khoảng 500.000 tấn đường từ Thái Lan. Vậy, lượng đường từ Thái Lan vào Camphuchia, Lào sau đó sẽ đi đâu, nếu không phải là “thẩm lậu” vào Việt Nam theo con đường gian lận thương mại (nhập khẩu sản xuất xuất khẩu, nhập lậu…)? (Còn nữa)