Với bốn lần phải điều chỉnh chương trình và thời gian làm việc, 10 Luật và 21 Nghị quyết được xem xét, thông qua, trong đó có 3 nghị quyết về quy phạm pháp luật, lấy ý kiến lần đầu với 11 dự án Luật, bầu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thể hiện sự linh hoạt, tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc của Quốc hội cùng các thành viên Chính phủ và Chính phủ.
Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo tại Kỳ họp thứ 7 (Ảnh:quochoi.vn) |
Để có cái nhìn khách quan và toàn diện, Báo Công Thương đã phỏng vấn bên lề hành lang ý kiến của một số đại biểu Quốc hội sau khi Kỳ họp thứ 7 kết thúc.
Phiên chất vấn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ
Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang đánh giá cao về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. “Tôi đánh giá là thành công. Việc lựa chọn vấn đề để chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn rất đúng và trúng những vấn đề thực tiễn đang cần phải giải quyết và cử tri rất đáng quan tâm.”- đại biểu Lan bày tỏ.
Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang |
Theo đại biểu Lý Thị Lan, các Bộ trưởng tham gia phiên chất vấn lần này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn. Với đại biểu Quốc hội, cũng đã tuân thủ theo đúng quy định về nguyên tắc của nghị trường, hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề, theo đuổi vấn đề.
“Kết quả đạt được sau phiên chất vấn là rất tốt. Đây chính là một kênh để Chính phủ nắm bắt thêm được những thông tin từ thực tiễn, những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành từ Trung ương tới địa phương. Điều này sẽ giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ trong thời gian tới”- đại biểu Lý Thị Lan khẳng định.
Điều đó được thể hiện, ngay sau phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề đã hứa trước cử tri, những vấn đề đang bất cập mà có thể giải quyết được ngay.
Đại biểu Lan nhấn mạnh: Sau phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã ra ngay về công điện tăng cường công tác quản lý về thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao về quản lý ngân sách, thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đó là những giải pháp ngay và luôn, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thông qua chất vấn và phiên chất vấn đã kịp thời để giải quyết. Đại biểu đánh giá cao kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Còn theo ông Vũ Ngọc Long – Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước, (Đoàn Bình Phước), phiên chất vấn đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, sự cầu thị của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội. Những vấn đề đại biểu chất vấn bằng văn bản và chất vấn tại hội trường đã được các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Đại biểu Vũ Ngọc Long- Giám đốc Sở Công Thương, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước |
“Có những vấn đề trả lời ngay giải pháp rất khó như chống mặt trái của thương mại điện tử như tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thêm Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tham gia trả lời, làm rõ vấn đề đại biểu nêu.”- đại biểu Long cho hay.
Công tác lập pháp: Dấu ấn Kỳ họp thứ 7
Theo đánh giá của đại biểu Lý Thị Lan, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến, thông qua lượng dự án luật rất lớn và kỷ lục từ trước tới giờ. Đây là một dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV bởi vì với khối lượng công việc lập pháp rất là lớn, thông qua 10 luật và 3 Nghị quyết về quy phạm pháp luật, lấy ý kiến lần đầu với 11 dự án Luật. Chúng tôi cũng đánh giá và ghi nhận rất cao đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ và đặc biệt là về vấn đề thời gian trình các hồ sơ dự án luật này đã đảm bảo được theo đúng quy định định của pháp luật.
Đối với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đã chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương bắt tay ngay vào công tác thẩm tra, tổ chức các cuộc họp của Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên, liên tục. Đồng thời, có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục các cuộc họp để làm sao để đáp ứng được theo đúng yêu cầu đề ra của thời gian để hoàn chỉnh về các dự án luật.
Còn đối với đại biểu Quốc hội, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn cũng đã dành nhiều thời gian, trí tuệ, trách nghiệm để nghiên cứu từng dự án luật và phát biểu thẳng thắn tại thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường. Những góp ý này góp phần để nâng cao chất lượng của dự án luật.
Đối với các cơ quan soạn thảo có thể tổng hợp và khẩn trương có tiếp thu, giải trình, để cung cấp lại cho cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội những phần nào tiếp thu và những phần nào còn băn khoăn để đại biểu Quốc hội tiếp tục có những kênh để phản ánh.
“Như vậy, chất lượng của các dự án luật và đặc biệt là các ý kiến tiếp thu của các cơ quan giải trình lần này rất là kịp thời.”- đại biểu Lý Thị Lan cho hay.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định |
Còn theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định, theo kế hoạch Quốc hội họp 27,5 ngày làm việc tức là 55 buổi làm việc thì có 8 buổi thảo luận tổ, 23 thảo luận ở hội trường, tổng cộng 31 buổi thảo luận tất cả về các luật, công tác xây dựng luật đã chiếm hơn 50% thời gian của Kỳ họp thứ 7, riêng dự án Luật Bảo hiểm xã hội Quốc hội dành 2 buổi thảo luận. Điều đó thể hiện tính khoa học, sự quan tâm của Quốc hội đối với Luật bảo hiểm xã hội hiện nay.
Ngoài ra, Quốc hội có việc xin ý kiến riêng với 3 dự án luật: Tên của toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Vấn đề nồng độ cồn trong luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ; Vấn đề rút bảo hiểm 1 lần trong Luật bảo hiểm xã hội.
“Đây đều là những vấn đề mà đại biểu cũng như dư luận xã hội quan tâm. Để thận trọng Quốc hội đã xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước khi thông qua. Do vậy, chúng ta thấy chất lượng xây dựng dự thảo luật là khá tốt.”- đại biểu Nguyễn Hải Dũng chia sẻ.
Kỳ họp thứ 7 thể hiện sự linh hoạt, đổi mới sáng tạo
Với 4 lần điều chỉnh nội dung chương trình và thời gian của kỳ họp, theo các đại biểu Quốc hội điều đó đã thể hiện sự linh hoạt, đổi mới sáng tạo và sự năng động trong điều hành của Quốc hội.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đã thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi đề xuất điều chỉnh thời gian có hiệu lực của 4 dự án luật sửa đổi gồm: Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng lên sớm 5 tháng so với quy định.
Đại biểu Lý Thị Lan nhấn mạnh: Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội xem xét về việc Chính phủ trình về việc đẩy sớm thời hiệu của dự án luật.
Kỳ họp thứ 7 đã thể hiện sư năng động của Quốc hội, sự quyết tâm của Chính phủ trước đòi hỏi yêu cầu của thực tế (Ảnh:quochoi.vn) |
Còn theo đại biểu Vũ Ngọc Long, Kỳ họp thứ 7 đã thể hiện sư năng động của Quốc hội, sự quyết tâm của Chính phủ trước đòi hỏi yêu cầu của thực tế mà thể hiện rõ nét nhất chính là đẩy nhanh 4 luật có hiệu lực thi hành sớm lên 5 tháng.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đã đánh giá cao sự nhạy bén của Chính phủ. Việc đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện 4 luật sớm hơn 5 tháng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với đội ngũ doanh nghiệp và người dân. Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình thay đổi chương trình kỳ họp, đưa thời gian điều chỉnh thực hiện 4 luật thông qua tại kỳ họp đã thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ. Quốc hội cũng thấy đó là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống mà Quốc hội mong muốn những chính sách mà mình đưa ra sớm được hiện thực hoá, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác nhân sự cũng được coi là điểm nhấn nổi bật tại Kỳ họp thứ 7, "Tôi đánh giá cao yếu tố về nhân sự. Chúng ta đã kiện toàn được cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trong kỳ họp này, cụ thể, đã bầu được chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, tạo sự phấn khởi, niềm tin của cán bộ Đảng viên nói chung cũng như đại biểu Quốc hội trong giai đoạn mới. Quốc hội khóa XV đến giữa năm 2026 sẽ kết thúc, chúng tôi hi vọng rằng Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước mới được bầu cố gắng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao cho"- đại biểu Nguyễn Hải Dũng khẳng định.