Vướng mắc công tác truyền tải.
Ông Phạm Đăng Thành- Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, quá trình triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để hưởng ưu đãi, song song những thuận lợi, Ninh Thuận còn gặp những vướng mắc khó khăn cần có giải pháp kịp thời. Theo đó, vướng mắc lớn nhất là về hạ tầng lưới điện, giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.
Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị tại huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị |
Đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận cho hay, hầu hết các dự án đều không thể phát hết công suất mà phải tuân thủ theo sự điều độ của EVN bởi vì các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tập trung hoàn thành vào thời điểm cuối tháng 5-6/2019, việc tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) cho các dự án điện mặt trời trong khoảng thời gian ngắn là thách thức đối với các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện; nhiều dự án điện mặt trời vận hành cùng lúc sẽ làm quá tải hệ thống truyền dẫn, có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...
Đặc biệt, sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời đã dẫn tới tình trạng đa số các đường dây, trạm biến áp (TBA) từ 110-500kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều quá tải. Trong khi đó các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Lắp đặt hệ thống quạt gió tại Dự án điện gió ở Quảng Trị |
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đề xuất và Bộ Công Thương cùng EVN đã đồng tình giải pháp để nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo tính toán, gắn với đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải; khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ chuyển giao lại phần hạ tầng truyền tải cho EVN quản lý, khai thác. Đi kèm với đó, vấn đề giải phóng công suất 2.000 MW điện năng lượng mặt trời để hưởng chính sách giá điện đến hết năm 2020 (tại chủ trương Nghị quyết 115/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ), còn gặp nhiều khó khăn thách thức cần được tháo gỡ kịp thời.
Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, hiện nay UBND tỉnh Ninh Thuận đang trình hồ sơ lên Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch 24 dự án điện mặt trời song các dự án này vẫn chưa được phê duyệt, một phần do hạ tầng đấu nối lưới điện khu vực của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận không còn khả năng hấp thụ thêm công suất, phần khác do vướng Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14(về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch; phạm vi Quy hoạch, thẩm quyền lập và thẩm định; về tiến độ).
Ngoài Ninh Thuận thì một số địa phương khác như Quảng Trị, Đăk Lăk, Phú Yên... hiện có nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai nên cũng lo ngại về quá tải truyền tải.
Cần cơ chế xã hội hóa truyền tải.
Ông Bùi Quốc Hùng- Phó Cục Trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo-Bộ Công Thương cho biết, đối với lưới điện phân phố 110 KV trở xuống trước đây chúng ta có rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư thủy điện để giải tỏa công suất cho các dự án thủy điện của mình.Tuy nhiên, lưới điện 220 kV trở lên thuộc lưới điện truyền tải do Nhà nước đầu tư quản lý tổ chức điều hành theo quy định của luật Điện lực cùng các nghị định, hướng dẫn của Luật Điện lực.
Hiện Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những hướng giải quyết xã hội hóa, tạo điều kiện cho sự tham gia của các chủ đầu tư ngoài EVN tham gia. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định của Luật pháp, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tư Pháp sửa đổi, điều chỉnh Luật Điện lực và nghị định hướng dẫn phù hợp để thuận lợi cho việc xã hội hóa đường dây truyền tải điện.
Những trụ tuabin gió đang quay đều trên vùng đất Hướng Hóa (Dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 2 do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư) |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực- Bộ Công Thương, với công suất hơn 4500 MW của các dự án năng lượng tái tạo dẫn đến lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối hiện nay chưa giải tỏa hết công suất. Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan, đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giải quyết vấn đề này. Về dài hạn Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng đường dây truyền tải và đường dây phân phối để nhanh chóng giải tỏa công suất những nhà máy năng lượng tái tạo nêu trên.
“Với hướng đi lâu dài, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép xã hội hóa xây dựng đường dây truyền tải các đơn vị ngoài nhà nước đầu tư và bàn giao cho ngành Điện quản lý. Trong thời gian ngắn hạn, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cụ thể cho từng Tổng công ty, đơn vị truyền tải đẩy nhanh tiến độ dự án. Phía Cục Điều tiết cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ ngành Điện giải phóng mặt bằng và các vấn đề lắp đặt hệ thống đường dây truyền tải”- ông Tuấn chia sẻ.
Tổ hợp Điện mặt trời và Điện gió của Trung Nam Group tại Ninh Thuận đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm |
Đối với vấn đề quy hoạch ông Bùi Quốc Hùng cho biết, sau ngày 1/1/2019 các dự án được bổ sung quy hoạch đều dừng lại. Bộ Công Thương đã có rất nhiều văn bản và tờ trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn và triển khai luật quy hoạch mới trong đó có việc bổ sung quy hoạch mới. Sau khi Quốc hội có thông qua, có nghị quyết hướng dẫn thì Bộ Công Thương sẽ có những điều chỉnh bổ sung đáp ứng nguyện vọng của các chủ đầu tư và các địa phương.
Dự án nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp- Quảng Ngãi |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Bộ Công Thương đang gấp rút tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh một số nội dung Luật cho phép xã hội hóa việc xây dựng lắp đặt các dự án truyền tải.
“Xã hội hóa các dự án là điều cần thiết song phải cân bằng tránh gây ra những hệ lụy không tốt cho ngành điện”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ rõ.