Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng để ứng phó bão số 4 Thành phố Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành việc di dời người dân trước 14h chiều mai, ngày 27/9 |
Ngày 26/9, để ứng phó với bão số Noru, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét và lên các phương án ứng phó.
Ảnh hưởng của bão số 4, tại các tỉnh Kon Tum và Gia Lai dự báo có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao |
Theo đó, qua rà soát, giao thông huyện Tu Mơ Rông có 87 điểm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; 55 công trình thủy lợi có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét và 2 công trình nguy cơ sạt lở. Ngoài ra có 31 vị trí ở khu dân cư thuộc 8 xã nguy cơ sạt lở, lũ quét, tốc mái. Có 17 khu sản xuất trên địa bàn toàn huyện có nguy cơ ngập lụt... Đặc biệt có 16 điểm trường có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, tốc mái.
Nhằm ứng phó với cơn bão Noru, huyện Tu Mơ Rông đã sẵn sàng lực lượng hơn 1.000 người. UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Huy động vật tư, phương tiện theo các phương án đã xây dựng khi bão số 4 gây mưa, sạt lở, cô lập, ách tắc.
Đồng thời, yêu cầu UBND các xã rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án, có kế hoạch cụ thể, chi tiết, lập kế hoạch di dời dân và chuẩn bị phương tiện để di dời khi có hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra đối với một số điểm xung yếu có nguy cơ bị sạt lở.
Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão Noru, mưa lũ. Chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình tại địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động triển khai phòng, chống, ứng phó với mưa bão và tùy theo tình hình mưa lũ, bão, chủ động cho học sinh nghỉ học và chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn.
Một vụ sạt lở đường tại tỉnh Kon Tum mới đây do mưa lớn |
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, theo dự báo, từ ngày 27/9 đến 29/9, thời tiết khu vực tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa trong cả đợt tại các huyện: Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, thị xã An Khê và TP. Pleiku phổ biến từ 150 mm đến 250 mm; cục bộ có nơi lớn hơn 300 mm; các huyện, thị xã còn lại ở mức 100-200 mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất, sụt lún đất tại các xã, phường: Phù Đổng (TP Pleiku); Đak Rong (huyện Kbang); Ia Rsươm, Ia Mlah, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar (huyện Krông Pa); Đak Pling (huyện Kông Chro); Ia Ake (huyện Phú Thiện).
Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của Nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25-9 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3862/BCH-PCTT ngày 24-9 của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách, phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng. Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống.
Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.
Các chủ đầu tư, chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định.
Bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát lúc 20h ngày 26/9 dự báo, từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11. Từ ngày 27 - 28/9, tỉnh Kon Tum có mưa rất to lượng mưa phổ biến 250 - 350mm/đợt, tỉnh Gia Lai có mưa to với lượng mưa 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Cảnh báo rủi ro thiên tai tại tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai là cấp 3. |