Chỉ số công nghiệp – thương mại đều tăng trưởng mạnh
Theo Sở Công Thương Kon Tum, 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp toàn ngành ước tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngoại trừ công nghiệp khai khoáng giảm điểm, còn lại, các ngành công nghiệp chủ lực đều tăng điểm như ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,32%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,81%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,55%.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) ước đạt 4.950 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng năm 2019. Vượt qua khó khăn, một số sản phẩm công nghiệp quan trọng của tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ có thể kể đến như gạch không nung tăng 40,85%, gạch nung tuynel tăng 9,19%, cồn sinh học tăng 44,28%, điện thương phẩm tăng 13,28%, điện địa phương sản xuất tăng 8,38%.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tinh bột sắn mặc dù liên tục gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm như sau Tết Nguyên đán bị khó khăn đầu ra do dịch Covid – 19 bùng phát ở Trung Quốc, và hiện tại đang khó khăn về nguyên liệu đầu vào nhưng kết thúc 6 tháng, ngành hàng này vẫn tăng trưởng tới 8,79% về doanh thu và tăng 9,01% về sản lượng.
Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum – ông Lê Như Nhất cho biết hiện các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh hầu như đã quay trở lại khôi phục sản xuất và có kế hoạch để đẩy mạnh sản xuất, bù đắp cho những tháng đầu nam hoạt động cầm chừng và tạm nghỉ. Riêng lĩnh vực chế biến tinh bột sắn và sản xuất đường hiện vẫn đang còn phải hoạt động cầm chừng do doanh nghiệp của 2 lĩnh vực này hiện đang gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Sở Công Thương cũng đang phối hợp để hỗ trợ kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ, dù là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi dịch Covid – 19, nhưng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn tăng 4,21% so với cùng kỳ, đạt hơn 9.342 tỷ. Trong đó, riêng tháng 6/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 1.990 tỷ đồng, tăng tới 23,68% so với cùng kỳ. Đây cũng là kết quả ấn tượng so với các miền Trung – Tây Nguyên, trong bối cảnh các địa phương hiện vừa khôi phục phát triển kinh tế, vừa chống dịch, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm.
Do chu kỳ xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm trúng dịp Tết Nguyên đán cùng với việc bùng phát dịch Covid – 19 tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Kon Tum như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và một số nước châu Âu nên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Kon Tum giảm nhẹ, đạt 60,1 triệu USD với các sản phẩm chú yếu là cao su thô, cà phê nhân, bàn ghế, tinh bột sắn… Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,719 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ với các mặt hàng chủ yếu là phân bón, linh kiện điện tử.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại |
Nhiều cơ hội để hoàn thành 100% kế hoạch năm 2020
Năm 2020, ngành Công Thương Kon Tum đặt mục tiêu IIP tăng 11,5% so với cùng kỳ 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 10.500 tỷ đồng; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên thị trường đạt 21.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 6,1 triệu USD.
So với các kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm, hầu hết các mục tiêu kinh tế đều đạt gần bằng hoặc vượt 50% kế hoạch của năm. “Ngành Công Thương tỉnh hiện đã triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản xuất công nghiệp – thương mại – xuất nhập khẩu phát triển, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch của năm đã đặt ra”, Giám đốc Sở Công Thương cho hay.
Theo ông Lê Như Nhất, hiện Sở đang triển khai các kế hoạch hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch Covid – 19 gây ra, để doanh nghiệp duy trì sản xuất và khôi phục hệ thống liên kết tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp song song 3 nhiệm vụ vừa tổ chức chống dịch và kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi vừa ổn định tâm lý doanh nghiệp để khôi phục sản xuất.
Để thúc đẩy thị trường bán lẻ sôi động trở lại, Sở Công Thương Kon Tum phối hợp triển khai các chương trình kích cầu do Bộ Công Thương phát động, mà gần nhất đó là tháng khuyến mại tập trung quốc gia từ 01 – 31/7/2020. Xúc tiến đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng Việt trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ các sản phẩm này quảng bá, xúc tiến thương mại và đến gần người tiêu dùng. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, điển hình như tổ chức đoàn kết doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung cầu tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh miền Trung Tây Nguyên năm 2020 sẽ diễn ra tại Quảng Bình vào ngày 09 – 10/7 tới đây.
Doanh nghiệp Kon Tum tham gia kết nối cung cầu đưa hàng vào siêu thị Đà Nẵng |
Riêng đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, hiện Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EV (EVFTA) và sẽ tiến hành triển khai thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nắm bắt, thay đổi để tận dụng được các ưu đãi mà hiệp định này cùng các FTA khác như CPTPP mang lại. “Do phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Kon Tum hiện còn xuất thô, thị trường chủ yếu là Trung Quốc nên thời gian qua hoạt động xuất khẩu bị ách lại. Hiện Sở đang kết nối với các thương vụ, tham tán thương mại, cục Xuất nhập khẩu và cục Xúc tiến thương mại để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Nhất nói và cho biết thêm cùng với đó Sở sẽ theo dõi tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giáp với Trung Quốc để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, giải quyết tình trạng tồn kho do dịch Covid – 19.