Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng Chủ trì hội nghị.
CôngThương - Trong khó khăn, DN vẫn phát triển
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hội nghị nhằm đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp, đánh giá những mặt thuận lợi, mặt tốt, mặt làm được, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp bàn thảo và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu phát huy tối đa những thuận lợi, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả... nhằm đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Báo cáo tổng quan về tình hình doanh nghiệp và và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2014- 2015 cho thấy, trong giai đoạn 2011- 2013, cả nước có thêm 224.200 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm gần 41% tổng số doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 20 năm (từ 1991- 2010). Năm 2013, kinh tế có dấu hiệu phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp cho số lượng doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại (tăng 10% so với năm 2012).
Doanh nghiệp ngoài Nhà nước là lực lượng chính trong nền kinh tế, luôn chiếm 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong giai đoạn 2010- 2012. Về đóng góp của doanh nghiệp trong GDP, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời.
Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù doanh nghiệp Việt Nam có những chuyển biến tích cực thời gian qua nhưng sự phát triển còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên quy mô doanh nghiệp vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa; hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn thấp, cần được cải thiện; thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng; khả năng hấp thụ vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn;...
Báo cáo cũng chỉ ra một số định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ trình và ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); tháo gỡ khó khăn, cải thiện tình trạng tiếp cận vốn, tín dụng cho doanh nghiệp; hình thành hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường trong nước, kiểm soát chuỗi phân phối bảo đảm đầu ra cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư thông qua hình thành và hoàn thiện cơ chế một cửa 3 khâu đầu tư, xây dựng và đất đai; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; thay đổi tư duy trong thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp từ phân tán, cắt khúc sang đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm.
“Ý Đảng, lòng dân, tâm Chính phủ, doanh nhân hành động ắt thành công”
Được biết hội nghị đã nhận được trên 300 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng gửi tới. Phần lớn các kiến nghị đã được các Bộ và các cơ quan chức năng của Chính phủ trả lời trực tiếp bằng văn bản. Sự chu đáo này đã khiến cho bầu không khí của hội nghị thêm sôi nổi và đi vào thực chất khi các đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội trực tiếp đăng đàn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tổng kết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới hội nghị- cho rằng, cần một chương trình đột phá thể chế tạo khí thế mới, động lực mới cho khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2014- 2015. Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ niềm tin theo đó, với “ý Đảng, lòng dân, tâm Chính phủ” thì “doanh nhân hành động ắt thành công”.
Bà Victoria Kwa-Kwa- đại diện Ngân hàng thế giới- cho rằng, kinh nghiệm cho thấy những hội nghị thế này rất thúc đẩy khu vực tư nhân và chính phủ hợp tác. Vấn đề là các chính sách cần phải được đoán định được và rõ ràng hơn trong việc ban hành và thực thi.
Trong khi đó ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam- trong phần tham luận của mình đề xuất ý kiến rất đáng chú ý: Các chính sách để phát triển đội hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam cần gắn với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông Nam cũng đề xuất khá chi tiết các giải pháp hỗ trợ đội ngũ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam như khuyến khích ngân hàng có gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia chuỗi ngành hàng sản xuất, tăng bảo lãnh cho vay, khuyến khích DN lớn mua hàng hóa, vật tư của các DNNVV. Phát triển cụm công nghiệp dành riêng cho DNNVV. Thậm chí theo ông Tô Hoài Nam, có thể tiến tới thành lập Ủy ban quốc gia hỗ trợ DNNVV.
Ở một góc độ khác, ông Trần Kim Trung- Chủ tịch CT group- nêu vấn đề xây dựng niềm tin chiến lược với các nhà đầu tư với vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và truyền thông. Theo ông Trung, DN cần nhận thức là sản phẩm uy tín của DN cũng là uy tín của quốc gia. Nhà nước nên hỗ trợ DN trong việc xây dựng thương hiệu. Ông Trung cũng nhận định, hiện thị trường đang “ấm” dần nên cần có chiến lược thu hút đầu tư qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.
Trong khi đó phần tham luận của bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tich Hiệp hội Tư vấn Thuế, nêu lên bất cập trong cải cách trong đó có lĩnh vực thuế: Trong khi Trung ương rất quyết tâm cải cách thì càng xuống tới cơ sở càng giảm dần đi. Cũng theo bà Cúc, việc ách tắc trong hạ tầng công nghệ thông tin đã gây khó cho người đi nộp thuế, khiến cho họ bỗng dưng mang tiếng chậm nộp thuế và phải chịu phạt. Ngay tại hội nghị Thủ tướng đã chỉ đạo phải khắc phục ngay vấn đề này.
Lãnh đạo các bộ cũng vào cuộc
Tại hội nghị có 10 Bộ trưởng đã có mặt tại hội nghị để vừa đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, vừa cung cấp thông tin định hướng cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thông tin tại hội nghị tình hình tồn kho của một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện chỉ ở mức 13%. Bộ Cong Thương đang ráo riết tìm biện pháp phối hợp với các bộ ngành để giảm con số này.
Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian thông tin về tiến độ các cuộc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đang đàm phán FTA với 6 đối tác trong đó đáng chú ý là các FTA với EU, Liên minh hải quan Nga- Belarus-Kazakhstan có khả năng kết thúc trước cuối năm nay. Theo Bộ trưởng, khi các FTA này kết thúc đàm phán Việt Nam sẽ có FTA với tất cả các trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Thế nhưng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đi cùng với đó là vấn đề Việt Nam sẽ khai thác thế nào các lợi thế do các FTA đem lại. Ở đây vai trò tham vấn của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng. Liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng khẳng định trong mọi tình huống, Bộ sẽ bảo đảm cung ứng đủ điện và xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế.
Trong phần tham luận của mình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc giảm lãi suất cho vay sẽ được Ngân hàng Nhà nước tiến hành ngay khi có cơ hội. Cũng theo ông Bình, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đã ở mức 35 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ông Bình thông tin 60% dư nợ tín dụng là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên việc tạo thêm các kênh hỗ trợ vốn cho DNNVV vẫn là điều rất cần tiếp tục được quan tâm. Theo ông Bình, kinh nghiệm thực tế được Ngân hàng Nhà nước tổng kết cho thấy, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặcbiệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần tăng cường kết nối ngân hàng- doanh nghiệp- chính quyền địa phương.
Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại hơn 3 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, song với nỗ lực chung, cả nước đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nổi bật là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị -xã hội ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng DN, các hiệp hội chung sức, chung lòng thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đặc biệt quan tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định. Muốn làm được điều này, trước hết phải đảm bảo được sự ổn định chính trị-xã hội; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng DN yên tâm hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế, vì có tăng trưởng kinh tế mới tạo điều kiện cho DN phát triển; hết sức quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các thủ tục thanh tra, kiểm tra nhằm cắt giảm tối đa phiền hà, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Đặc biệt, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo chức trách của mình nhằm tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN tiếp tục phát triển.
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tích cực chỉ đạo thực hiện nâng cao đạo đức phục vụ của cán bộ, công chức đối với doanh nghiệp, đối với nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các DN, hiệp hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi theo Thủ tướng, đây là những hành động “phá hoại sản xuất ghê gớm”, đồng thời mong muốn DN đóng góp tích cực vào hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN trên tinh thần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững.