Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 Phát triển kinh tế đêm- mũi nhọn thúc đẩy Du lịch Ninh Thuận phát triển |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) về vấn đề này.
Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021 - 2030 đã đi được 1/3 chặng đường, đối với lĩnh vực bán lẻ đã có chuyển biến thế nào, thưa ông?
Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình SCP). Trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững |
Với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vòng đời sản phẩm, thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là sử dụng các sản phẩm thải bỏ của công đoạn sản xuất này thành đầu vào nguyên liệu sản xuất của công đoạn khác. Trong đó, bán lẻ có vai trò quan trọng và là mắt xích trong định hướng các khâu sử dụng, khai thác tài nguyên hướng đến nền kinh tế giảm phát thải thấp, giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên trong quá trình sản xuất.
Chương trình SCP đang có sự thay đổi nhận thức nhanh chóng của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ. Trong năm 2021 - 2022, Chương trình SCP đã thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các cơ sở bán lẻ để giảm thiểu chất thải, đặc biệt là túi nilon. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia nhiệt tình, đặc biệt các chuỗi siêu thị như: Melinh Plaza, BigC, AEON… và một số nhà phân phối bán lẻ khác.
Tôi thấy đây là một xu hướng và chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa để tạo sự đồng thuận của xã hội, người tiêu dùng. Từ đó, thiết lập chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Giảm thiểu các chất thải trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là chất thải nhựa khó phân hủy.
Chương trình SCP đã góp phần thúc đẩy nhu cầu kinh tế tuần hoàn của xã hội từ sản xuất đến phân phối, bán lẻ và tiêu dùng ngày càng tăng lên. Chúng ta phải khơi thông các vướng mắc để thúc đẩy sản xuất từ khai thác tài nguyên, sử dụng mô hình KTTH từ sản xuất đến phân phối bán lẻ.
Chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với các chuỗi siêu thị; thiết kế bền vững trong ngành thực phẩm… chúng ta vẫn còn thiếu tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn để có thể triển khai kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện.
Vậy theo ông, sẽ có những khó khăn, thách thức gì khi thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ?
Mặc dù Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm hướng đến phát triển bền vững như: Chương trình SCP, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030… Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023, trong đó bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn còn một số hạn chế, khó khăn về sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường, về duy trì thói quen, hành vi tiêu dùng bền vững từ người tiêu dùng...
Doanh nghiệp hiện đang đối mặt nhiều khó khăn để duy trì và thúc đẩy, mở rộng các chuỗi ngành hàng sản phẩm bền vững trên thị trường. Khó khăn đến từ các kế hoạch đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị cùng với chi phí tăng thêm khi doanh nghiệp phải lựa chọn giữa các sản phẩm thông thường và sản phẩm bền vững. Khó khăn tiếp theo là thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Làm sao để người tiêu dùng chuyển từ sản phẩm thông thường sang sử dụng sản phẩm xanh và sản phẩm bền vững để giảm tác động đến môi trường. Đây là 3 khó khăn mà doanh nghiệp hiện đang gặp phải.
Trước những khó khăn đó, ông có thể cho biết, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có chính sách mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, bắt kịp với lộ trình chuyển dịch của các nước tiên tiến trên thế giới.
Chúng ta cần xây dựng các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững, từ những tiêu chí, tiêu chuẩn cho các mô hình sản xuất, mô hình tiêu dùng hướng đến bền vững. Các chính sách về thuế và phí cùng các cơ chế tài chính ưu để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu không sử dụng túi nilon sử dụng một lần khó phân hủy tại các siêu thị, chợ truyền thống, các cơ quan xây dựng chính sách cần có cơ chế giúp người tiêu dùng lựa chọn tốt hơn giữa túi hữu cơ và túi nilon truyền thống. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và sử dụng túi nilon hữu cơ có giá thành phù hợp với điều kiện tiêu dùng của người dân.
Quan trọng nhất cần có cơ chế và các chế tài cụ thể, nếu khuyến khích chung chung thì kinh tế tuần hoàn chỉ là xu hướng. Chúng ta có thể học tập các nước phát triển EU, Hà Lan… với nhiều mô hình hay có thể thực hiện. Đồng thời, cần đào tạo cho các doanh nghiệp trong sản xuất phân phối và bán lẻ có thể giới thiệu các sản phẩm bền vững đến cho khách hàng. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình SCP trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!