Kinh tế Trung Quốc cần thêm biện pháp kích thích tăng trưởng
Mặc dù từ cuối tháng 9 năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất và công bố các kế hoạch kích thích kinh tế rộng lớn, nhưng thông tin chi tiết về những hỗ trợ tài chính được kỳ vọng cao có thể sẽ chưa được công bố trước kỳ họp quốc hội thường niên vào tháng 3 năm nay.
“Các biện pháp kích thích tài khóa của Trung Quốc vẫn chưa đủ để giải quyết các lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi thận trọng trong dài hạn do các thách thức mang tính cấu trúc của Trung Quốc”, Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock cho biết trong một báo cáo tuần vào hôm 14/1. Tập đoàn này hiện đang tăng nhẹ tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc và cho biết sẵn sàng mua thêm nếu điều kiện thay đổi.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự chuyển biến mà các nhà đầu tư mong đợi. Ảnh minh họa |
Nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm
Trong lúc này, mối quan ngại cấp bách hơn là sự sụt giảm nhu cầu trong nước và nguy cơ giảm phát. Giá tiêu dùng chỉ tăng 0,5% trong năm 2024 sau khi loại trừ những biến động về giá thực phẩm và năng lượng. Đây là mức tăng chậm nhất trong ít nhất 10 năm qua.
“Chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu, đầu tư nước ngoài đang giảm, và một số ngành công nghiệp đang đối mặt với áp lực tăng trưởng”, ông Ân Dũng, Thị trưởng thành phố Bắc Kinh cho biết. Bắc Kinh đặt mục tiêu giữ lạm phát giá tiêu dùng ở mức 2% vào năm 2025 và hướng tới thúc đẩy phát triển công nghệ. Trong khi các mục tiêu kinh tế quốc gia sẽ chỉ được công bố vào tháng 3, các quan chức kinh tế và tài chính cấp cao đã cho biết trong hai tuần qua rằng các biện pháp hỗ trợ tài chính đang được triển khai, và việc phát hành trái phiếu siêu dài hạn để thúc đẩy tiêu dùng sẽ vượt mức của năm ngoái.
Theo ông Mi Yang - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Bắc Trung Quốc tại Công ty Tư vấn bất động sản JLL, các biện pháp kích thích kinh tế mà Trung Quốc đã công bố sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm nay, nhưng có thể sẽ mất thời gian để thấy được tác động đáng kể.
Ông cho biết, áp lực đối với thị trường bất động sản thương mại sẽ tiếp tục trong năm nay và giá có thể giảm nhanh hơn trước khi phục hồi.
Theo JLL, giá thuê văn phòng hạng A tại Bắc Kinh đã giảm 16% trong năm 2024 và dự kiến sẽ giảm gần 15% trong năm nay, với một số khu vực cho thuê thậm chí gần mức của năm 2008 hoặc 2009.
Các trung tâm mua sắm mới ở Bắc Kinh mở cửa trong năm 2024 với tỷ lệ lấp đầy trung bình là 72%. Theo JLL, trước đây, các trung tâm mua sắm như vậy sẽ không được mở nếu tỷ lệ này dưới 75%.
Hỗ trợ về thiết bị gia dụng
Khác với Mỹ trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc không phát tiền mặt cho người tiêu dùng. Thay vào đó, vào cuối tháng 7 năm ngoái, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã công bố việc phát hành 150 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 20,46 tỷ USD) trái phiếu siêu dài hạn để hỗ trợ đổi mới thiết bị và thêm 150 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản nâng cấp thiết bị.
Các quan chức cho biết, Trung Quốc đã phát hành 81 tỷ Nhân dân tệ cho chương trình đổi mới thiết bị năm nay. Chương trình này bao gồm các sản phẩm thiết bị gia dụng, ô tô điện, và giảm giá lên tới 15% cho các điện thoại thông minh có giá 6.000 nhân dân tệ trở xuống.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chương trình này có thể giúp phục hồi bền vững nhu cầu tiêu dùng hay không.
Chính sách hỗ trợ ngành bất động sản
Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng từng chiếm hơn một phần tư nền kinh tế Trung Quốc. Khi chính quyền trung ương bắt đầu siết chặt nợ của các nhà phát triển vào năm 2020, cùng với đại dịch Covid-19, điều này đã tạo ra những tác động lan tỏa lên nền kinh tế.
Trung Quốc đã thay đổi lập trường về bất động sản vào tháng 9 năm ngoái sau một cuộc họp cấp cao nhằm kêu gọi các nỗ lực vực dậy ngành này.
Các biện pháp hỗ trợ ngành bất động sản bao gồm việc sử dụng cơ chế danh sách trắng để hoàn thành xây dựng các căn hộ đã được bán nhưng vẫn chưa được xây dựng do hạn chế tài chính của các nhà phát triển. Các căn hộ mới ở Trung Quốc thường được bán trước khi hoàn thành.
Ông Jeremy Zook, nhà phân tích chính về Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết thị trường bất động sản vẫn chưa chạm đáy. Các cơ quan chức năng có thể sẽ cung cấp thêm hỗ trợ trực tiếp.
Doanh số bán nhà mới ở các thành phố lớn của Trung Quốc trong 30 ngày qua đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo ngày 5 tháng 1.
Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng mức tồn kho cao ở các thành phố nhỏ cho thấy giá bất động sản "vẫn có khả năng giảm tiếp" và việc xây dựng nhà ở "có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong nhiều năm tới".
Theo báo cáo năm 2024 của Viện Nghiên cứu Beike, một công ty liên kết với một nền tảng bán nhà lớn tại Trung Quốc, có thể mất từ 7 đến 20 tháng để giải quyết tồn kho nhà ở tại một quận thuộc thành phố Phật Sơn, gần thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc.
Toàn bộ thành phố đã chứng kiến diện tích sàn bán ra trong năm ngoái giảm 16%, xuống mức thấp nhất trong 10 năm, theo báo cáo.
Những lo ngại về địa chính trị
Những thách thức kinh tế của Trung Quốc càng trở nên phức tạp hơn bởi những căng thẳng với Mỹ. Tương tự như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington, Bắc Kinh cũng đã nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia bằng cách ưu tiên các doanh nghiệp nội địa trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ.
Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc vào tuần trước, lập trường đó đòi hỏi ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc phải nội địa hóa, mặc dù họ phải chịu thêm chi phí và giảm năng suất, nếu muốn giữ chân khách hàng tại quốc gia này.
Theo lời bà Dương Bình, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đầu tư thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, tại một sự kiện báo chí vào hôm 15/1, một khẩu hiệu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng là xây dựng “khả năng đảm bảo an ninh trong các lĩnh vực trọng yếu”.
Năm nay, “thúc đẩy tiêu dùng được ưu tiên hơn việc cải thiện hiệu quả đầu tư”, bà Dương Bình nói. Bà bác bỏ lo ngại rằng, tác động của các khoản trợ cấp tiêu dùng sẽ giảm dần sau giai đoạn tăng đột biến ban đầu và cho biết, sẽ có nhiều thông tin chi tiết hơn được công bố sau cuộc họp quốc hội vào tháng 3.
Các quan chức kinh tế và tài chính cấp cao của Trung Quốc cho biết, chính phủ đang triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính và việc phát hành trái phiếu siêu dài hạn để thúc đẩy tiêu dùng trong năm 2025 sẽ vượt mức của năm ngoái. |