UBND TP. Hồ Chí Minh vừa công bố 10 thành tựu nổi bật của thành phố trong năm 2019, hoạt động của nền kinh tế nằm trong nhóm này với những điểm sáng vượt trội so với nhiều năm.
Cụ thể, trong năm 2019, thu ngân sách nhà nước của TP lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng, đạt 412.474 tỷ đồng, vượt 3,34% chỉ tiêu giao đầu năm, chiếm hơn 27% tổng thu cả nước. GRDP tăng 8,32% so với năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2018. Năm 2019 có 1.320 dự án FDI được cấp mới, số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 44.000 đơn vị. Những thông số nêu trên cho thấy, sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng của nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm qua là vượt trội trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động.
Ngành công nghiệp công nghệ cao đang được ưu tiên phát triển tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cảng thành phố (tính cả dầu thô) ước đạt 39.682,7 triệu USD, tăng 17,3% so năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 3.296,5 triệu USD, giảm 3,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 11.584,3 triệu USD, tăng 6,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24.801,9 triệu USD, tăng 27,1%.
Đặc biệt, đã có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, đứng đầu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,9 tỷ USD, chiếm 37,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 53,0% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là nhóm hàng hoá khác đạt 7,8 tỷ USD, chiếm 19,6%, tăng 7,1%; thứ 3 hàng dệt may đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 14,1%, tăng 1,6%; thứ 4 giày dép đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 6,6%, tăng 4,7%; thứ 5 máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 5,4%, giảm 0,9%.
Thị trường xuất khẩu hàng hoá chủ lực là thị trường Trung Quốc, đạt 8.328,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hoa Kỳ đạt 6.646,9 triệu USD, chiếm 16,8%, tăng 20,5%); thị trường Nhật Bản đạt 3.288,4 triệu USD, chiếm 8,3%, tăng 3,6%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp qua cảng TP. Hồ Chí Minh ước đạt 44.076,6 triệu USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.423,4 triệu USD, giảm 14,9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 21.261,8 triệu USD, tăng 1,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21.391,4 triệu USD, tăng 25,3%. Cán cân thương mại hàng hóa trong năm 2019 của các doanh nghiệp thành phố tiếp tục nhập siêu 4,4 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,4 tỷ USD.
Để giữ vững đà tăng trưởng và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát huy hết nội lực, trong đó đó ưu tiên cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…
Tính đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Công nghiệp có đóng góp quan trọng trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn ngành công nghiệp. Trong lĩnh vực công nghiệp, TP đang hướng đến tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh - cho biết, đối với 4 nhóm ngành công nghiệp gồm cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm và ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; công nghiệp thời trang ngành dệt may - da giày, công nghiệp thiết kế... sắp tới sẽ chuyển dịch dần từ hoạt động gia công sang hoạt động sản xuất, tiến đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển khu công nghiệp công nghệ cao; bố trí sản xuất vào khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học; hạn chế thu hút các dự án đầu tư mới thâm dụng lao động phổ thông để tạo đà cho ngành công nghiệp thành phố phát triển nhanh, bền vững.