Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh: Tăng doanh nghiệp, lượng hàng tham gia bình ổn thị trường |
Kinh tế khởi sắc khá toàn diện
Tại phiên họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2022 diễn ra chiều ngày 5/4, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, với việc tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong điều hành kinh tế và phòng chống dịch hiệu quả, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang hồi phục và đạt được nhiều điểm sáng tích cực trên các lĩnh vực trong quý 1/2022.
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2022 |
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (GRDP) quý 1/2022 tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% đến nay, kinh tế thành phố (TP) đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ” đã có bước hồi phục và khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế TP khá tốt.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế khi tăng 3,08%, đóng góp 30,8% vào tốc độ tăng GRDP. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 2,87% so với cùng kỳ, đóng góp 96,8% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 4,2%, đóng góp 2,42%... Cùng với đó, TP vẫn duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động xuất khẩu của TP vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19, biến động địa chính trị tại một số thị trường nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%).
Nhìn chung, dù còn nhiều khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất sau dịch, nhiều doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã tự tin, linh hoạt, nhanh nhạy tìm ra cách để duy trì sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn có xu hướng phức tạp. Đồng thời, nhiều đơn vị thực hiện đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất ngay từ đầu năm trong trạng thái bình thường mới với sự tích cực, góp phần đóng góp vào tăng trưởng chung của TP. Trong đó, điểm sáng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp trong quý 1/2022 đạt 7,3 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả khả quan tạo đà cho hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong những tháng tiếp theo của năm 2022.
Ngoài những mặt tích cực, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%) cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút khoảng 40,09% so với cùng kỳ. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh còn chậm phục hồi, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử giảm 12,92% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 24,7%).
Tận dụng cơ hội từ các FTA
Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2 và những tháng tiếp theo năm 2022, theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, TP tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022.
Song song đó, tăng cường triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện Chủ đề năm 2022, trong đó tập trung công tác thực hiện đầu tư công, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư, cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay…
“Trong quý 2/2022, TP. Hồ Chí Minh cần tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu…” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, TP vừa trải qua một năm với nhiều thử thách quá lớn nên kết quả của quý 1/2022 là cực kì quan trọng.
Để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của năm 2022, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh yêu cầu TP tiếp tục bám sát chiến lược y tế, triển khai linh hoạt, thích ứng theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Trong đó ngành thương mại dịch vụ cần nâng cao công tác dự báo để kiểm soát tốt hơn về giá cả, ổn định giá, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.
Liên quan đến phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu, UBND TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục đeo bám và xúc tiến nhanh các dự án vành đai 2, 3, 4. Đồng thời xúc tiến khẩn trương việc mở rộng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.