Thanh Hóa: Xin thêm 10 phó giám đốc Sở giống như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh Thủ tướng chủ trì Hội nghị về thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM |
Cơ hội “vàng” để Thanh Hóa bứt phá
Theo Nghị quyết số 58 đã được Bộ Chính trị ban hành, tỉnh Thanh Hóa được ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 để Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách đặc thù. Đây được xem là cơ hội “vàng” để tỉnh Thanh Hóa thu hút đầu tư, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp, giúp kinh tế Thanh Hóa tăng tốc và bứt phá.
Để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần Nghị Quyết số 58 thì địa phương phải thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển các vùng, miền. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã tiến được những bước quan trọng trong việc đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng Thanh Hóa phát triển trở thành hiện thực.
Một góc thành phố Thanh Hóa về đêm (Ảnh: Cổng TTĐT TP. Thanh Hóa) |
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt các dự án phát triển hạ tầng giao thông có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị như: Đường Hoằng Kim - Thiệu Long với nút giao Thiệu Giang, đường thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân với nút giao Đồng Tiến, đường Vạn Thiện – Bến En với nút giao Vạn Thiện. Hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các tuyến đường Đông Xuân - TP Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 2); đường vành đai 3 nhánh Đông; đang hoàn tất thủ tục đến cuối năm 2023 khởi công đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng biển Nghi Sơn... Những “tuyến đường tương lai” ấy sẽ tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, tạo tiền đề cho sự bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu. |
Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần của NQ số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh này trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn... Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng. |
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 đã đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 15%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước và đứng Top đầu các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 – 2023 tăng trưởng bình quân 17,5%, cao hơn kế hoạch đề ra là 11,2%. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 230 nghìn tỷ đồng; năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng, năm 2025 dự kiến đạt 280 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Với những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 58, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực...