Thứ ba 05/11/2024 16:30

Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh bền vững

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40% GRDP thành phố. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế của TP.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, sáng ngày 15/4 tại TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. Hồ Chí Minh trong tương lai”.

Kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP của TP. Hồ Chí Minh năm 2025

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia, các tổ chức tài chính, đầu tư trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố (TP) nói chung và các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của TP nói riêng.

Diễn đàn thu hút hơn 900 đại biểu bao gồm: Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao, các địa phương nước ngoài, tổ chức quốc tế... tham dự

Sự kiện đã thu hút hơn 900 đại biểu bao gồm: Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao; các định chế tài chính quốc tế (WB, IMF, IFC, ADB...) các tổ chức quốc tế như: WEF, OECD. Đặc biệt, có sự tham dự của các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Úc và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và kinh tế số, doanh nghiệp (DN)…

Phát biểu chào mừng diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thức đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: Chính quyền số, doanh nghiệp (DN) số và xã hội số. Đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Văn Nên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại Diễn đàn HEF

Với tinh thần năng động sáng tạo, các DN TP. Hồ Chí Minh đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. “Đây cũng là định hướng phát triển mới của TP, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động”- Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các DN, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực.

Với tinh thần đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, Diễn đàn kinh tế số này có ý nghĩa quan trọng, góp phần mở ra hướng phát triển mới của TP. Hồ Chí Minh. Qua Diễn đàn HEF, Lãnh đạo TP tin tưởng sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu, nhiều bài học hay để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số của Thành phố và có các chính sách giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.

Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế số

Ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Chính phủ đã sớm đề ra Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đang trong quá trình triển khai tích cực. Đối với TP. Hồ Chí Minh, từ thực tiễn kinh tế-xã hội, vị trí, vai trò của mình và trên cơ sở chính sách chung của Trung ương, TP đã và đang tập trung triển khai Chương trình chuyển đổi số của TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn chương trình này với 6 chương trình đột phá trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tề TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025”, TP đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số. Đồng thời, giữ vũng và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh mong muốn nhận được ý kiến chia sẻ, đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế số trong nước và quốc tế về 4 nội dung chính như: Mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2025 và 2030, trong đó phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 GRDP của TP; xây dựng các biện pháp và giải pháp, chính sách kinh tế số nhằm huy động tối đa các nguồn lực; triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số; vai trò của nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để DN thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số, cũng như mối quan hệ giữa nhà nước - DN và người dân trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.

Cần tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Mới đây, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, phát biểu chỉ đạo Diễn đàn HEF

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số, nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, các bài học tốt để triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chiến lược và chính sách của Trung ương.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Lãnh đạo, doanh nghiệp, nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực… Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.

Kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, nhưng không mới đối với nhiều quốc gia, đã hình thành các khuôn khổ, cách tiếp cận chung có tính chất toàn cầu, với bản chất không biên giới. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và TP, không máy móc.

Diễn giả quốc tế chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái kinh tế số tại diễn đàn

Phó Thủ tướng khẳng định, định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của TP. Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Do đó, TP. Hồ Chí Minh tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số. Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút DN, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung.

Trong giai đoạn trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, Phó thủ tương cho rằng, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số…

“Với tinh thần năng động sáng tạo, với tiềm lực vốn có, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân TP sẽ thực hiện thành công chương trình kinh tế số, đi đầu trong phát triển các mô hình kinh doanh mới, tạo hướng đi mới bền vững, hiệu quả cho cả nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng.

Tại Diễn đàn HEF, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tập trung chia sẻ kinh nghiệm, tham luận xoay quanh 4 chủ đề chính, gồm: “Bức tranh chung về chuyển đổi số trong Đ ở TP. Hồ Chí Minh, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”; “Thiết kế chính sách phù hợp cho phát nền kinh tế số tại TP. Hồ Chí Minh: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030”; “Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN: thách thức và giải pháp” và “Chuyển đổi số trong DN: kinh nghiệm và bài học thành công của DN trong nước và quốc tế”.
Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Quốc khánh 2/9

Tin cùng chuyên mục

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Phước: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 20% với cùng kỳ

Hải Phòng: Đẩy nhanh tốc độ thành lập các khu, cụm công nghiệp mới

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều điểm sáng về kinh tế, thương mại, dịch vụ 10 tháng năm 2024

Phương tiện giao thông tăng nhanh, gây áp lực hạ tầng giao thông tại Đắk Lắk

Ngành Công Thương Hà Nội: Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Cần Thơ: Số lượng lao động trong các khu công nghiệp tăng mạnh

Trà Vinh: Tháng 10, thu gần 5.300 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Bình Dương: Nhiều giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền kinh tế số

Quảng Ninh: Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững

Đồng Nai: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistic trên địa bàn tỉnh

Thừa Thiên Huế: Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 1 tỷ USD

Sản xuất công nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng ổn định

Quảng Ninh: Khai tác tối đa tiềm năng phục vụ phát triển kinh tế biển

Tiền Giang: Bàn giải pháp tăng cường kết nối logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

Hàn Quốc đứng thứ 5 về đầu tư nước ngoài tại Bình Dương

Tỉnh Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ, nâng tầm hợp tác xã