Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu có chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu”, nhằm thảo luận các cơ hội chính trong việc thúc đẩy, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển, cũng như thách thức chính của khủng hoảng Covid-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Hội nghị thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện COP26 |
Đồng thời xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển, với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương; trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công, chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị quốc tế về kinh tế biển đại dương và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 2022 với chủ đề “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương” và khẩn trương triển khai các cam kết về khí hậu tại COP26 vừa qua.
Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu được coi là mệnh lệnh cho tất cả mọi người, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Để cùng chung tay hành động vì nhân loại cũng như sự sống trên trái đất, có 3 việc cần triển khai, đó là: Các quốc gia cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất.
Bên cạnh đó, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu. Do vậy, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân: Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu được giới chuyên gia nhận định góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra các sự kiện bên lề, trong đó có Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh - Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển.
Báo cáo đưa ra một số kịch bản đến năm 2030 đã được phát triển cho từng ngành, lĩnh vực bao gồm kịch bản cơ sở và kịch bản "phát triển bền vững" hay còn gọi là "xanh lam", phù hợp và bám sát khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh. Trong đó, kịch bản xanh lam mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp tổng thu nhập quốc nội (GDP), tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho các lao động nghề biển.
Nghiên cứu cho thấy, khi kịch bản xanh lam được áp dụng, GDP sẽ tăng trưởng hơn kịch bản cơ sở 296 ngàn tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538 ngàn tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - khuyến nghị, để đạt được mức tăng trưởng nói trên, Việt Nam phải tập trung vào đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Thay đổi việc khai thác và nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trên biển, đặc biệt là gió ngoài khơi, các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch; cần thiết phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực có mối liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác.
Hội nghị dự kiến sẽ ra Tuyên bố của đồng Chủ tịch Hội nghị, trong đó đưa ra các nội dung và kết luận chính của hội nghị, cung cấp thông tin đầu vào cho Liên hợp quốc, các chương trình nghị sự năm 2022 và các năm sau đó, trong đó có Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Liên hợp quốc. |