Cần chế tài đủ mạnh để kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch |
Quyết liệt xử lý
Ngay sau khi có thông tin phản ảnh của du khách, Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng và quyết liệt xử lý vụ việc. Cụ thể, tổng cục đã đề nghị UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương kiểm tra những thông tin báo chí nêu, xử lý nghiêm vi phạm của tàu Hoàng Phương 16. Yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ phải có biện pháp khắc phục sự cố, xin lỗi và bồi thường cho du khách. Theo đó, thành phố Hải Phòng đã thực hiện tổng kiểm tra các phương tiện, hãng lữ hành phục vụ du lịch để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn; UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính đối với công ty trên địa bàn bán tour cho nhóm du khách Úc.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhấn mạnh, sự việc xảy ra đối với du khách Úc là cá biệt, làm ảnh hưởng, tổn thương đến uy tín của ngành du lịch Việt Nam nói chung cũng như du lịch của Hạ Long, Cát Bà nói riêng. Quan điểm của tổng cục là phải thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Qua sự việc này, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để nâng cao trách nhiệm hiệu quả quản lý nhà nước, tổng kiểm tra những phương tiện phục vụ khách du lịch ở trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng…” - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, ranh giới hành chính của Hạ Long và Cát Bà nằm ở trên biển, trên bản đồ thì thấy rất rõ nhưng thực địa là mênh mông biển nước, rất khó xác định. Lợi dụng thực tế đó, một số phương tiện như Hoàng Phương 16 đã neo đậu trên vùng giáp ranh này, trong khi các lực lượng chức năng của Quảng Ninh hay Hải Phòng không thể thường xuyên thanh tra, kiểm tra đến đó. Đây là một trong những tồn tại mà các địa phương phải khắc phục trong thời gian tới.
Tăng cường kiểm soát
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Marketing TST tourist - vụ việc cung cấp dịch vụ theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ tàu. Tuy nhiên, nếu tàu đã cấm xuất bến cũng có nghĩa rằng không còn được phép hoạt động, nhưng phương tiện này vẫn duy trì kinh doanh cho thấy cả việc giám sát và chấp hành đều không thực hiện nghiêm túc.
Nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành cho rằng, sự trung thực, trách nhiệm và năng lực chuyên môn của doanh nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng nên có sự đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ, nhất là đại lý du lịch chỉ tập trung chức năng bán và điều hành hơn là việc chịu trách nhiệm cho sản phẩm tour hoàn chỉnh.
Kinh doanh thiếu trung thực, chụp giật của tàu du lịch Hoàng Phương 16 đã không chỉ làm tổn thương đến uy tín của du lịch Việt Nam mà như lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam nhấn mạnh mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, thương hiệu điểm đến Việt Nam sau bao nhiêu thời gian nỗ lực xây dựng. Do vậy, để không tái diễn tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chế tài đủ mạnh để kiểm soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch Việt Nam nhất là các tour giá rẻ. Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh, hấp dẫn không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tổng cục Du lịch sẽ phát động chiến dịch tổng rà soát, kiểm soát chất lượng dịch vụ của phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch tham quan và lưu trú trên toàn quốc; tiếp tục chiến dịch thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành trên cả nước, đặc biệt khu vực phố cổ Hà Nội. |