Nhiều giải pháp phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa- thoái vốn năm 2020
Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 về việc phê duyệt Danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020, Bộ Công Thương thực sẽ hiện CPH 02 doanh nghiệp, gồm: Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC.
Để có cơ sở xem xét về điều kiện CPH DN, Bộ Công Thương đã yêu cầu các DN báo cáo phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất để Bộ xem xét, rà soát thực hiện đúng quy trình theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, vì một số vướng mắc nên 02 đơn vị trên chưa hoàn thiện báo cáo. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục chủ trì, thực hiện sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các đơn vị này trước khi ban hành quyết định CPH theo quy định sau khi nhận được các báo cáo theo quy định.
Để hoàn thành nhiệm vụ CPH - Thoái vốn trong năm 2020 tại Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC, Bộ Công Thương kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp thực hiện. |
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn (CPH – TV) Nhà nước tại DN không xảy ra thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, đồng thời đảm bảo các DN sau CPH – TV hoạt động lành mạnh, Bộ Công Thương đã và sẽ thường xuyên cử các đoàn công tác của Bộ làm việc với các DN nhằm giám sát toàn diện, từ việc quán triệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ các quy định của pháp luật… đến công tác tài chính, hiệu quả hoạt động và công khai thông tin, thực hiện đăng ký, niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán…
Đặc biệt, nhằm bảo toàn, sử dụng hiệu quả và phát triển nguồn vốn Nhà nước tại DN, ngay từ năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế về quản lý Người đại diện vốn Nhà nưóc tại các DN. Trên cơ sở đó, Bộ đã tiến hành triển khai đồng bộ và toàn diện công tác cơ cấu lại tổ chức bộ máy, sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhân sự; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đổi với các chức danh; hoàn thiện thể chế và thực hiện tinh giản mạnh mẽ bộ máy cán bộ nói chung, cán bộ liên quan đến công tác CPH-TV nói riêng nhằm cắt giảm đầu mối song vẫn nâng cao được hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CPH – TV theo quy định.
Những kiến nghị từ thực tiễn
Từ thực tiễn thực hiện công tác CPH – TV các Tập đoàn, Tổng công ty trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có 02 DN trong kế hoạch năm nay, Bộ Công Thương cho biết công tác này đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, trong nhiều kiến nghị gửi đến Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị cần có chính sách CPH linh hoạt hơn theo hướng cho phép CPH từng bộ phận của DN hoặc từng đơn vị thành viên thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty, khi có đủ điều kiện.
Lấy ví dụ từ trường hợp của Tổng công ty Giấy Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng có thể linh hoạt thực hiện CPH mà không có Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam bởi nếu thực hiện CPH riêng lẻ từng đơn vị có thể giúp nâng cao khả năng Nhà nước bán được vốn tại DN vì quy mô vốn nhỏ.
Dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển DNNN và Công ty TNHH một thành viên do DNNN nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần với việc bổ sung quy định xác định giá trị lợi thế kinh doanh của DN, trong đó có giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 05 năm (gồm các chi phí: thành lập DN, đào tạo nhân viên, quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước), Bộ Công Thương cho rằng, quy định như trên, đặc biệt quy định giá trị thương hiệu được xác định dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống, hoàn toàn là các yếu tố định tính, sẽ rất khó khăn trong công tác xác định giá trị DN, nhất là trong bổi cảnh các DN CPH đang khó khăn hiện nay, thì quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến các khả năng, hoặc DN cố tình không xác định, hoặc xác định không thỏa đáng về giá trị thương hiệu, đẩy trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định.
Trong khi đó, liên quan đến các quy định về đất đai, Bộ Công Thương và DN phải thực hiện những quy trình, thủ tục rất chặt chẽ quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để có thể thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý từng cơ sở nhà, đất của DN, như: DN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà, đang quản lý, sử dụng để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương lập phương án xếp lại, xử lý nhà, đất tổng thể của cả Bộ; đối với các cơ sở nhà, đất tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính chủ trì, còn đối với các cơ sở nhà, đất tại các địa phương còn lại, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện các thủ tục sắp xếp (kiểm tra hiện trạng, xin ý kiến UBND tỉnh, thành phố nơi có đất, trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh, thành phố gửi Bộ Tài chính xin ý kiến, ban hành văn bản về quyết định phương án sử dụng đất...).
Theo Bộ Công Thương, những thủ tục này phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành và các thủ tục khác có liên quan để có cơ sở cho các cơ quan chức năng xem, có ý kiến, do vậy mất rất nhiều thời gian. Hơn thế, điều kiện, tiến độ CPH DN phụ thuộc vào kết quả sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của DN trong khi việc này không chỉ phụ thuộc vào Bộ Công Thương và DN nên rất khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, đặc biệt là đối với những DN đang quản lý, sử dụng số lượng cơ sở nhà, đất lớn.
Từ thực tiễn này, Bộ Công Thương kiến nghị cần có quy định về trách nhiệm của DN trong việc rà soát, xây dựng, bảo cáo, đề xuất phương án sắp xếp lại, sử dụng cơ sở nhà, đất; có quy định và chỉ đạo cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành, Bộ Tài chính và UBND tỉnh/thành phố khi có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của DN. Đồng thời, có quy định về sự ưu tiên thực hiện các thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với các DN đang thực hiện CPH.
Cùng với các kiến nghị trên, Bộ Công Thương cũng đề nghị cần có quy định xác định rõ và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các DN theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt, không chỉ động viên, khích lệ DN, lãnh đạo DN thực hiện tốt công tác CPH mà còn phải gắn với chế tài xử lý, kỷ luật nghiêm minh lãnh đạo DN cổ tình chây ỳ, có vi phạm trong công tác CPH.