VCCI cho biết, kinh doanh vận tải bằng ô tô là hoạt động phục vụ một nhu cầu quan trọng (nhu cầu di chuyển của một bộ phận lớn dân cư), cạnh tranh và phát triển sẽ đóng góp đáng kể bảo đảm lợi ích của người dân là khách hàng sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, Nhà nước hiện đang duy trì cùng lúc nhiều cơ chế kiểm soát đối với hoạt động vận tải như kiểm soát an toàn phương tiện thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, quy trình kiểm định, kiểm soát năng lực của người lái xe thông qua quy trình thi cấp bằng lái xe… Do đó, việc kiểm soát kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thông qua các điều kiện kinh doanh cần thiết kế giảm thiểu các tác động bất lợi tới các lợi ích công cộng, không trùng lặp với các biện pháp kiểm soát đã có, bảo đảm không can thiệp bất hợp lý vào cạnh tranh và phát triển trên thị trường vận tải hành khách.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng đang phát triển nhưng quản lý chưa hiệu quả. (Ảnh minh họa) |
Các điều kiện và cơ chế quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô có tác động rất lớn đến thị trường vận tải (cung, cầu, định hướng phát triển…) cũng như đến các chủ thể hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. VCCI cho rằng, điều kiện kinh doanh cần thiết kế bám sát khoản 1, điều 7, Luật Đầu tư 2014, chỉ quy định các điều kiện cần thiết đảm bảo các lợi ích công cộng (an toàn giao thông, trật tự xã hội). Các điều kiện không phục vụ mục tiêu này, hoặc đã được Nhà nước bảo đảm bằng công cụ khác (an toàn kỹ thuật đã được quản lý bằng các tiêu chuẩn quy chuẩn đối với xe cơ giới, quy trình kiểm định; năng lực hành vi, đã được quản lý bằng điều kiện cấp bằng lái đối với lái xe…) cần bãi bỏ.
Đối với các hình thức kinh doanh mới (Grab hoặc tương tự), cần đảm bảo các điều kiện chỉ phục vụ mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, doanh nghiệp được phép làm những gì mà luật không cấm theo Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, tại điều 7, dự thảo Nghị định nêu trên qui định, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu: Không được gom khách, không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe (điểm c khoản 1); sử dụng ô tô có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả lái xe) không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công bố - điểm d khoản 1); trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau (trừ những vị trí do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công bố - điểm đ khoản 1); đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê xe cả chuyến; đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng (điểm e khoản 1).
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật ưu đãi đầu tư Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất có ý ... |
Sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP: Qui định về hồ sơ, trình tự, thủ tục vẫn chưa hợp lý Góp ý xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2016/NĐ-CP (Dự thảo) qui định về điều ... |
Theo VCCI, các quy định nêu trên: Không nhằm bảo vệ bất kỳ lợi ích công cộng nào, chỉ nhằm phân biệt một cách khiên cưỡng giữa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với theo tuyến cố định, vốn là quy định bất cập, cần được xem xét sửa đổi Luật Giao thông đường bộ tới đây. Can thiệp bất hợp lý vào quyền tự do hợp đồng của các chủ thể và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Không có lợi ích công cộng nào được bảo vệ bởi các điều kiện kể trên, kể cả nguy cơ ách tắc giao thông (nguy cơ này đã được xử lý bằng điều kiện về điểm cấm đỗ, đón, trả khách…). Hạn chế quyền dân sự của hành khách muốn đi chung xe để chia sẻ chi phí (quy định cấm “gom khách”); hạn chế quyền tự do của doanh nghiệp trong thiết kế các hình thức kinh doanh mà Hiến pháp và pháp luật không cấm trong khai thác những tuyến đường có lợi thế kinh doanh (chẳng hạn cùng ký hợp đồng vận chuyển với nhiều người cùng một lúc để đi một tuyến đường nhất định, vận chuyển khách theo lịch trình lặp lại…); hạn chế quyền tự do hợp đồng, tự do thỏa thuận của các chủ thể. Quy định “đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cho cả chuyến xe, đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng” là can thiệp sâu vào quyền tự do giao kết hợp đồng và gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Từ những lý do trên, VCCI kiến nghị, bỏ tất cả các quy định tại khoản 1, điều 7 dự thảo Nghị định nêu trên. Đồng thời, thay thế bằng quy định: Hình thức kinh doanh vận tải bằng hợp đồng là hình thức kinh doanh được xác lập dựa trên giao kết hợp đồng giữa các bên, còn nội dung của hợp đồng cũng như cách thức thực hiện hợp đồng do các bên tự do thỏa thuận, miễn là không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không xâm hại các lợi ích công cộng.
Đối với hình thức kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô (điều 8, dự thảo Nghị định), VCCI cũng có góp ý tương tự với khoản 1, điều 7. Ngoài ra, VCCI còn lưu ý, từ góc độ lợi ích công công liên quan thì khách du lịch cũng là khách sử dụng phương tiện vận tải thông thường (chỉ khác nhau ở mục đích của việc di chuyển). Do vậy, pháp luật về quản lý các hình thức vận tải không nên và không thể quản lý theo mục đích của người di chuyển hay mục đich của người sử dụng dịch vụ, bởi các mục đích này rất đa dạng, không thể quản lý hết./.