Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Tạo nguồn lực lớn cho phát triển đất nước |
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp
Sáng 25/4, tiếp tục Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ |
Trong đó, NSNN đã quyết định chi 74 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2021 là 72.068 tỷ đồng.
Về THTK, CLP trong đầu tư xây dựng, đầu tư công, ngay từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giản ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Lũy kế giải ngân năm 2021 là 383,57 nghìn tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết 31/01/2022 là 431.188,53 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, cơ quan thẩm tra quyết toán ở bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn, tổng công ty và địa phương đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 12,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, về phân bổ kế hoạch của một số bộ, ngành trung ương và địa phương còn chậm. Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công. Nhiều địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp...
Về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, đến ngày 31/12/2021, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.625 cơ sở nhà, đất (gồm khối cơ quan, đơn vị và khối doanh nghiệp nhà nước); đã thực hiện thu hồi 122 cơ sở nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý đối với 401 cơ sở nhà, đất.
Đáng chú ý, về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý theo Đề án được phê duyệt.
“Đến nay, trong số 7 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp hợp đồng EPC, đã hoàn thành xử lý tranh chấp đối với 3 dự án, doanh nghiệp. Đối với 4 dự án chưa hoàn thành, Ban Chỉ đạo yêu cầu các dự án, doanh nghiệp tiếp tục chủ động đàm phán với các nhà thầu để xử lý dứt điểm tranh chấp theo thẩm quyền” - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm
Về công tác thanh tra, kiểm tra THTK, CLP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 17.825 tỷ đồng và thu hồi 811 ha đất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 |
Đồng thời, tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.690 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 115.841 tỷ đồng, 627 ha đất; xử lý hành chính đối với 3.267 tập thể, 8.724 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 70 đối tượng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP chủ yếu gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa DNNN. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.