Theo đó, ngày 12/12/2023, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3066 về việc thành lập Đoàn kiểm tra chuyên đề tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.
Đoàn kiểm tra gồm 9 thành viên do ông Đỗ Quyết Thắng, Kiểm tra viên chính thuộc Vụ Thanh tra – Kiểm tra làm trưởng đoàn.
Quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố của Tổng cục Hải quan |
Đoàn sẽ có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát trực tuyến gồm: Giám sát, kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, văn hóa giao tiếp ứng xử, trang chế phục, thời gian làm việc của công chức Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Thông qua thông tin tin nghiệp vụ, thiết lập các tin báo nghiệp vụ (ID chuyên đề) trên Hệ thống trực ban Tổng cục giám sát công chức hải quan làm thủ tục cho những lô hàng xuất khẩu có dấu hiệu rủi ro theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 4 Quy chế trực ban trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 2189/QĐ-TCHQ ngày 29/7/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, Đoàn cũng có nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị Hải quan làm thủ tục đối với tin báo nghiệp vụ (ID chuyên đề) đã được Đoàn kiểm tra thiết lập để làm rõ hành vi vi phạm của công chức Hải quan khi được lãnh đạo Tổng cục phê duyệt. Thời hạn kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/12/2023 đến ngày 30/1/2024.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra, giám sát trực tuyến, theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2189/QĐTCHQ ngày 29/7/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó, khi thực hiện kiểm tra trực tiếp, Đoàn sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ngày 12/4/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và theo Kế hoạch đã được lãnh đạo Tổng cục phê duyệt.
Riêng đối với các đơn vị được kiểm tra sẽ chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 9 và Điều 24 Quyết định số 2189/QĐ-TCHQ ngày 29/7/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trong trường hợp kiểm tra, giám sát trực tuyến, Điều 15 của Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ngày 12/4/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trong trường hợp kiểm tra trực tiếp.
Liên quan tới một số đơn vị Hải quan chuẩn bị được kiểm tra, mới đây Báo Công Thương nhận phản ánh của Công ty Cổ phần Tập đoàn DĐK (địa chỉ tại Hà Nội) về việc Chi cục Hải quan khu vực II (Cục Hải quan Hải Phòng) chậm trễ phản hồi công văn kiến nghị của doanh nghiệp về mức áp giá cho lô hàng xe ô tô điện nhập khẩu về Việt Nam để làm mẫu quảng cáo và thử nghiệm phục vụ giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Trụ sở Cục Hải quan thành phố Hải Phòng |
Theo phản ánh của doanh nghiệp, thời gian dài (kể từ ngày 02/10/2023), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 vẫn chưa trả lời ý kiến của doanh nghiệp về việc này. Tuy nhiên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 lại đề xuất mức áp giá cao, chưa phù hợp để Công ty DĐK giải phóng lô hàng. Việc chậm trễ trong quá trình xác định mức áp giá khiến doanh nghiệp chưa thể nhập khẩu và tốn một khoản lớn chi phí về kho bãi, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ của hoạt động nghiên cứu phát triển, cũng như triển khai dự án đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện...
Ngay sau khi báo đăng tải, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã có văn bản gửi tới Báo Công Thương, trong đó cho rằng: Lô hàng nhập khẩu xe điện của Công ty DĐK (mã số thuế: 0101196937) tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2, thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng (gọi tắt là Chi cục) theo khai báo gồm 04 chiếc xe ô tô điện, xuất xứ Trung Quốc, 04 chỗ chở người, không tham gia giao thông, đơn giá khai báo là 1.050 USD/chiếc (khoảng 24.507.000 đồng/chiếc xe ô tô điện). Tổng tiền thuế theo khai báo (bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) cho 04 xe theo khai báo là 87.893.162 đồng (khoảng 21.973.290 đồng/chiếc).
Tra cứu cơ sở dữ liệu giá của ngành Hải quan, thì đơn giá khai báo của doanh nghiệp thấp hơn nhiều lần so với mức giá thấp nhất của mặt hàng tương tự (xe ô tô điện chạy pin, 04 chỗ ngồi, xuất xứ Trung Quốc, sản xuất năm 2023, mới 100% giá 7.624 USD/chiếc). Căn cứ quy định pháp luật liên quan việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan đã xác định lại đơn giá tính thuế là 7.642 USD/chiếc và chỉ thị mức giá do cơ quan Hải quan xác định trên Hệ thống thông quan tập trung, đồng thời ban hành văn bản thông báo gửi doanh nghiệp.
“Ngày 4/10/2023, Chi cục Hải quan nhận được công văn của doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại mức giá cơ quan Hải quan xác định, đưa một số đường link để cơ quan Hải quan tham khảo. Qua kiểm tra, các đường link này không tra cứu được, các thông tin khác do doanh nghiệp cung cấp không đủ cơ sở để xem xét lại mức giá theo đề nghị của doanh nghiệp” – Cục Hải quan thành phố Hải Phòng thông tin.
Một trong những mẫu xe điện liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về Hải quan Hải Phòng |
Đồng thời, ngày 10/10/2023, Chi cục Hải quan đã có công văn phản hồi nội dung nêu trên gửi và thường xuyên liên hệ đôn đốc doanh nghiệp thực hiện khai báo, nộp thuế bổ sung theo mức giá và số tiền thuế do cơ quan Hải quan xác định. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa thực hiện các yêu cầu nêu trên để được thông quan lô hàng.
“Việc thực hiện thủ tục hải quan đối với tờ khai nhập khẩu nêu trên của cán bộ, công chức, đơn vị thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng là đúng quy định pháp luật và luôn kịp thời giải đáp các vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp” - Cục Hải quan thành phố Hải Phòng khẳng định.
Phản hồi của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng là vậy, song gửi thông tin đến Báo Công Thương, Tập đoàn DĐK cho biết, doanh nghiệp tiến hành hợp tác với Công ty JINING DELI MACHINERY PROCESSING CO., LTD CHINA (viết tắt là Công ty Jining) để nghiên cứu, phát triển, hợp tác sản xuất một số loại xe ô tô điện phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
Công ty DĐK đã ký kết hợp đồng mua bán với công ty Jining 04 chiếc xe ô tô điện với đơn giá 1.050 USD/chiếc (xấp xỉ 24.507.000 đồng/chiếc xe ô tô điện). Tổng giá trị đơn hàng giữa hai công ty là 4.200 USD/4 chiếc ô tô điện. Tổng tiền thuế theo khai báo (bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) cho 04 chiếc xe là 87.893.162 đồng, xấp xỉ 21.973.290 đồng/chiếc
“Việc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 áp đặt giá tính thuế đối với 04 chiếc xe của Công ty DĐK là 7.642 USD/chiếc, trong khi đó trên thực tế chỉ là 1.050 USD/chiếc là chưa phù hợp để chúng tôi được thông quan lô hàng. Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Bên Bán, có đầy đủ chứng từ, vận đơn và đã chuyển tiền cho Bên Bán theo như Hợp đồng hai bên đã ký. Công ty DĐK đã có nhiều văn bản xin được hướng dẫn xác định giá áp để thông quan nhưng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 vẫn áp đặt giá tính thuế cao. Xe chưa được thông quan kèm chi phí lưu kho bãi tốn kém gây thất thoát tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó chúng tôi còn nhận thấy có sự cấu kết giữa Chi cục Hải quan Hải Phòng và quản lý kho bãi để giữ xe ô tô điện của Công ty DĐK. Sự việc này diễn ra trong một thời gian dài, vẫn chưa được giải quyết gây bức xúc và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp” - thông tin của Công ty DĐK cho biết.
Được biết, ngày 12/12/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 đã có giấy mời Công ty DĐK đến làm việc vào ngày 15/12 liên quan đến lô hàng kể trên.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin.