Kiểm toán nhà nước kề vai, sát cánh cùng Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp Nâng cao vai trò, vị thế của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế |
Mới đây, tại phiên họp toàn thể lần thứ hai trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 16, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã vinh dự được bầu là 1 trong 2 thành viên của Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. Đây là kết quả đáng ghi nhận của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong nỗ lực hội nhập, nâng cao vị thế của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Quang cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Đại hội ASOSAI lần thứ 16 |
Cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn cho kiểm toán viên Kiểm toán nhà nước
Việc Kiểm toán nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ứng cử thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI trong nhiệm kỳ 2024-2027 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm về mặt năng lực hội nhập và cấp độ chuyên môn trong hợp tác quốc tế; minh chứng cho sự phát triển, trưởng thành, tiếp thu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế tiên tiến và nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung và từ các thành viên ASOSAI nói riêng để nâng cao năng lực cho Kiểm toán nhà nước. Điều này cũng thể hiện sự kiên trì của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong việc theo đuổi chủ trương: Là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng kiểm toán quốc tế. Đây sẽ là bước tiếp nối của sự thành công trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và thành viên Ban điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2015 đến năm 2024.
Bên cạnh đó, việc ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 không chỉ mang đến cơ hội giúp Kiểm toán nhà nước tiếp tục tạo môi trường và động lực cho đội ngũ kiểm toán viên rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế mà còn là kênh truyền thông hiệu quả để nâng cao hình ảnh, tiếng nói của Kiểm toán nhà nước Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Theo Điều lệ ASOSAI, Ủy ban Kiểm toán ASOSAI là một cơ quan trực thuộc ASOSAI, có nhiệm vụ thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính ASOSAI niên độ 03 năm theo Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế. Đồng thời, thực hiện kiểm toán thực địa tại trụ sở của Tổng Thư ký ASOSAI sau khi kết thúc niên độ tài chính 03 năm theo Quy định tài chính của ASOSAI (trừ trường hợp bất khả kháng). Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm toán ASOSAI có nhiệm vụ chủ trì giám sát công tác kiểm phiếu bầu Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ tiếp theo tại Cuộc họp Ban điều hành 01 năm trước Đại hội; bầu thành viên Ban điều hành và Ủy ban kiểm toán nhiệm kỳ tiếp theo tại Đại hội. Ủy ban Kiểm toán bao gồm 02 cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) là thành viên ASOSAI, không nằm trong Ban điều hành; được Ban điều hành và các SAI bỏ phiếu bầu chọn tại Đại hội, trên cơ sở xem xét năng lực của SAI thành viên trong việc thực hiện kiểm toán đảm bảo tuân thủ Quy định tài chính và Hiến chương ASOSAI... |
Nỗ lực chuẩn bị cho việc ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI
Ngay từ năm 2022, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã khẩn trương xây dựng Đề án ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027, đề xuất rõ tiến trình và các biện pháp thực hiện việc ứng cử.
Tháng 2/2024, Kiểm toán nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch vận động, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phương án nguồn lực phù hợp để quá trình vận động ứng cử được triển khai kịp thời, hiệu quả, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các SAI thành viên ASOSAI.
Hình thức vận động đã được triển khai thông qua nhiều kênh khác nhau như gửi thư vận động, thông qua các cuộc gặp song phương, bên lề sự kiện đa phương của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, các cuộc họp trực tuyến cấp Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, kênh ngoại giao, truyền thông báo chí...
Đáng chú ý, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 16, đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nướcViệt Nam do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng làm Trưởng đoàn tham dự, đã thực hiện rất tốt việc vận động trực tiếp các SAI thông qua các cuộc gặp song phương, tiếp xúc bên lề với các SAI Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, UAE, Bhutan... nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các SAI đối với Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong quá trình ứng cử.
Trao đổi với lãnh đạo SAI các nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng khẳng định, Kiểm toán nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực cống hiến, là thành viên tích cực, có trách nhiệm và nhiều đóng góp nổi bật trong cộng đồng kiểm toán quốc tế. Tiếp nối sự thành công trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp, việc Kiểm toán nhà nước Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2024-2027 thể hiện mong muốn được đóng góp hơn nữa cho các hoạt động của ASOSAI cũng như tăng cường năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên. Từ đó tiếp tục nâng cao hình ảnh, tiếng nói của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cảm ơn sự ủng hộ của các SAI đối với Kiểm toán nhà nước Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các SAI trong mối quan hệ song phương với Kiểm toán nhà nước Việt Nam. Đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam và các SAI sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.
Tại các buổi tiếp xúc, các SAI đánh giá cao những thành tựu Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã đạt được trong thời gian đảm đương vai trò là Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021 và thành viên Ban Điều hành ASOSAI từ năm 2015-2024. Đồng thời, thể hiện sự ủng hộ Kiểm toán nhà nước Việt Nam ứng cử trở thành thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 tại Phiên họp thứ hai.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng tặng quà Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ Girish Chandra Murmu |
Với những nỗ lực đó, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 16, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã chính thức được bầu là thành viên của Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.
Có thể khẳng định, việc Kiểm toán nhà nước Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.