Trong Báo cáo dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024 vừa trình Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023 bao gồm 129 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 166 Đoàn kiểm toán.
Đến ngày 30/9/2023, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 158 kế hoạch kiểm toán, triển khai 151 Đoàn kiểm toán, trong đó 99 Đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 120 dự thảo báo cáo kiểm toán và đã phát hành chính thức 84 báo cáo kiểm toán.
Đáng chú ý, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 84 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 30/9/2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng.
Song song với đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định thuộc 84 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, trong đó có 9 Nghị định, 7 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 67 văn bản khác không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng |
Trong 9 tháng qua, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như: kiểm toán 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia; các chuyên đề liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15; chuyên đề “việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội”…
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tính đến 30/9, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán đạt tỷ lệ 91% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 207/231 đoàn kiểm toán, đạt tỷ lệ 89,6%). Dự kiến đơn vị này sẽ hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2023 theo đúng tiến độ đã đề ra.
Kiểm toán Nhà nước xác định nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2022, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm sau.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, cùng với việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024 - 2026 và Kế hoạch kiểm toán năm 2024, tiếp tục với phương châm “làm ít nhưng chất”, bám sát Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước và các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số nhiệm vụ năm 2024 không tăng so với năm 2023, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kiểm toán chuyên đề đảm bảo chất lượng…
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/9/2023 là 48.227 tỷ đồng/71.605 tỷ đồng, đạt 67,4%, Kiểm toán Nhà nước đang phối hợp với các đơn vị để kiểm tra xác nhận (cùng kỳ năm trước 56,63%); đã thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế chính sách là 20/270 văn bản; 41/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. Số liệu chưa thực hiện kiến nghị còn lại đang được tiếp tục đôn đốc các đơn vị kiểm toán thực hiện và tổng hợp báo cáo.