4 tỉnh ký Quy chế phối hợp công tác với Kiểm toán Nhà nước Kiểm toán Nhà nước: Vẫn còn bất cập trong cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - cho biết, sau khi nghiên cứu thực trạng những khó khăn vướng mắc bất cập trong hoạt động quản lý của 4 tỉnh thuộc địa bàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước khu vực XI tại công văn số 160/KVXI-VP, Trường đã xây dựng phương án tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các địa phương, trước mắt sẽ thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa.
Kiểm toán nhà nước họp xây dựng phương án bồi dưỡng kiến thức cho các địa phương |
Chương trình tập huấn dự kiến tập trung vào 5 nội dung, gồm: Giải pháp vướng mắc về thủ tục hồ sơ trong việc tính toán trượt giá đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; giải pháp về công tác quản lý nhà nước về đất công ích, tài nguyên khoáng sản; quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí thường xuyên được sử dụng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình dự án đã được đầu tư; công tác quản lý tài chính, tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh; quản lý tài chính, hướng dẫn quy trình, thủ tục, trình tự mua sắm, thanh lý, ghi tăng, giảm tài sản cố định; đấu thầu mua sắm tài sản công với các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3.
Trên cơ sở 5 nội dung tập huấn, Trường đề xuất chia thành 4 khóa đào tạo, tập huấn gắn với từng đối tượng tham gia cụ thể. Mỗi khóa kéo dài 1 - 2 ngày, tùy thuộc vào nội dung của các chuyên đề giảng dạy.
Theo ông Đoàn Chiến Thắng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực XI, chương trình tập huấn có thể xây dựng theo hướng đào tạo một nội dung mang tính khái quát, bao trùm những lĩnh vực địa phương quan tâm. Đối với những nội dung mang tính chuyên sâu, sẽ lựa chọn những vấn đề trọng yếu nhất để trao đổi tại khóa tập huấn.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đề xuất nghiên cứu, xây dựng riêng một chuyên đề tập huấn chung cho tất cả các địa phương. Đối với những khóa đào tạo, tập huấn tại mỗi địa phương, Trường sẽ căn cứ nhu cầu của từng địa phương để xây dựng các chuyên đề cụ thể, phù hợp.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được nội dung đào tạo tại khóa tập huấn. Do đó, Trường cần nghiên cứu kỹ, xác định cụ thể hơn nữa nhu cầu của địa phương; đồng thời phối hợp với Vụ Tổng hợp lựa chọn những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong các lĩnh vực: Tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai tài nguyên khoáng sản, để xây dựng chương trình đào tạo, coi đó là "xương sống" để có thể triển khai các nội dung liên quan...
Về thời gian đào tạo, tập huấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, khóa tập huấn sẽ kéo dài từ 2,5 - 3 ngày. Trong đó, 2 ngày đầu sẽ tập trung bồi dưỡng những nội dung khái quát, tổng thể liên quan đến nhu cầu của địa phương, dành cho tất cả các đối tượng muốn tham gia. Thời gian còn lại, sẽ tổ chức thành các nhóm chuyên đề nhỏ, phù hợp với các đối tượng thực hiện công tác chuyên môn chuyên sâu. Mỗi buổi học, bên cạnh việc học lý thuyết, cần dành thời lượng cho chuyên gia và học viên tương tác, trao đổi trực tiếp về các nội dung tập huấn.