Kiểm toán nhà nước: Nâng cao hiệu quả đánh giá về môi trường qua kiểm toán lồng ghép Kiểm toán nhà nước tổ chức nghiệm thu đề tài về kiểm toán chuyên đề |
Cùng doanh nghiệp nhà nước tháo gỡ khó khăn
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Tuy nắm giữ nguồn lực lớn nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận, tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động không đạt như kỳ vọng.
Theo kết quả kiểm toán năm 2022 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị tương đối cao; trong đó có 19/20 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh có lãi.
Kiểm toán nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhà nước quản lý rủi ro, minh bạch tài chính. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Công tác kiểm toán đã phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) được khấu trừ 8,8 tỷ đồng...
Chia sẻ tại tọa đàm “Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp nhà nước quản lý rủi ro, minh bạch tài chính” do Báo Kiểm toán tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý đã có những góc nhìn khách quan và đa chiều, gợi mở nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, minh bạch tài chính của doanh nghiệp nhà nước, hướng tới sự minh bạch, phát triển bền vững.
Theo đó những yêu cầu về tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực... khiến công tác quản trị rủi ro, minh bạch tài chính của doanh nghiệp nhà nước ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - kỳ vọng Kiểm toán nhà nước sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát hiện những bất cập, “lỗ hổng” thể chế; qua đó, góp phần giảm thất thoát, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhà nước.
“Vai trò của doanh nghiệp nhà nước được thể hiện ở sự đóng góp vật chất trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra doanh thu, đóng góp vào thu ngân sách cũng như đóng góp về lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, khoa học công nghệ… Trong một số trường hợp, doanh nghiệp nhà nước còn đóng vai trò quan trọng thực hiện các chính sách bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đóng góp về nguồn lực…”, ông Phan Đức Hiếu chỉ ra.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp nhà nước cho thấy, tổng tài sản là hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021; vốn chủ sở hữu khoảng hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 3%; tổng doanh thu đạt mức hơn 2,6 triệu tỷ đồng và tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế tăng 24%; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân khoảng 13% (năm 2021 là 11%); số doanh nghiệp nhà nước có lỗ phát sinh so với tổng lỗ phát sinh chiếm 9% doanh nghiệp nhà nước; có 21% doanh nghiệp nhà nước có tổng số lỗ lũy kế là 69 tỷ đồng; hệ số tổng số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,9 lần.
Thông qua những con số trên đã phản ánh chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước. “Qua thực tế theo dõi, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước rất nỗ lực, chủ động trong việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi cách thức hạch toán, thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, thu thập số liệu làm các báo cáo để đảm bảo nâng cao chất lượng, độ tin cậy… Những động thái tích cực đó chính là vì chính lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế đã được doanh nghiệp nhà nước chỉ ra. Trong đó, vấn đề được nhắc đến nhiều năm nay là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn vốn; hay một số dự án đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. Điều này phản ánh việc chúng ta chưa xử lý kịp thời một số dự án chưa hiệu quả hoặc đã triển khai nhưng không hiệu quả. Như vậy, câu chuyện về xử lý thua lỗ, về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả, kịp thời là vấn đề rất quan trọng đặt ra - ông Hiếu bình luận.
Vai trò quan trọng của Kiểm toán nhà nước
Nhấn mạnh mục tiêu hướng đến một cơ chế tài chính ít rủi ro, minh bạch, hiệu quả cho doanh nghiệp nhà nước, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, muốn làm được như vậy thì cần vai trò của rất nhiều bên. Đặc biệt, để tạo ra động lực cho doanh nghiệp nhà nước thì cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng. Bởi với cơ chế, chính sách như hiện nay thì dù doanh nghiệp nhà nước muốn làm tốt cũng có thể bị lúng túng, thậm chí bị rủi ro trong vấn đề tuân thủ pháp luật. Nếu doanh nghiệp làm đúng theo quy định pháp luật thì không phù hợp với thực tế hoặc nếu làm đúng với thực tế lại không phù hợp với quy định pháp luật.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng, kịp thời sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp, vừa đảm bảo tính khách quan, tổng thể, vừa đảm bảo cá nhân hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của từng doanh nghiệp. “Chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu vào một doanh nghiệp mà không có sự phân tách. Chúng ta giao nhiệm vụ chính trị nhưng lại bắt doanh nghiệp hạch toán tài chính như thực hiện các hoạt động về đầu tư tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thì rõ ràng không phù hợp” - ông Phan Đức Hiếu bày tỏ quan điểm.
“Với vai trò của mình, trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong việc kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách; không chỉ kiến nghị theo đợt, kiến nghị khi có yêu cầu mà Kiểm toán nhà nước có thể chủ động, định kỳ kiến nghị về sự bất cập, không phù hợp của chính sách. Bên cạnh đó, để tránh rủi ro hoặc làm xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán nhà nước cần kiểm toán sớm và đưa ra những khuyến nghị kịp thời để doanh nghiệp có cơ hội, có thời gian để tuân thủ tốt hơn”, ông Hiếu kỳ vọng.
Trong bối cảnh thể chế pháp luật còn những điểm chưa đảm bảo thông lệ, chưa thực sự rõ ràng, có thể dẫn đến doanh nghiệp có nhiều cách hiểu khác nhau và nhiều cách tuân thủ khác nhau, Kiểm toán nhà nước cần thể chế hóa vấn đề này trong quy chế làm việc, trong các nguyên tắc kiểm toán để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp phát hiện những vấn đề bất cập của thể chế, những vấn đề tạo ra lỗ hổng.
Với những thành quả đạt được của doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán nhà nước không chỉ đóng góp vào việc giảm thất thoát mà còn tạo ra những giá trị gia tăng rất nhiều cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Không chỉ kiểm toán sớm, phát hiện và đưa ra các khuyến nghị, Kiểm toán nhà nước còn giúp phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách, từ đó có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Gần đây, khi Quốc hội thảo luận các chính sách thì báo cáo của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là các kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc không phù hợp của cơ chế, chính sách được Kiểm toán nhà nước phát hiện, chắt lọc trong quá trình kiểm toán và đề xuất là rất quan trọng. |