Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công: Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước |
Ngày 25/3, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán Nhà nước.
Kiến nghị xử lý tài chính tăng 3,5 lần
Trình bày báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (101.037 tỉ đồng). Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 63.449 tỉ đồng, giảm chi 91.113 tỉ đồng, kiến nghị khác là 199.171 tỉ đồng.
Nhận định nhiệm kỳ vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, ông Phớc dẫn chứng số liệu, đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước |
Bên cạnh đó, theo ông Phớc, kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong nhiệm kỳ qua, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản để nâng cao ý thức kỷ luật, trong đó "nghiêm cấm việc lợi dụng kiểm tra dự án đầu tư, đối chiếu thuế để hạch sách, vòi vĩnh, tiêu cực với đơn vị".
Kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "Kiểm toán Nhà nước phải nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán. Tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế và công nghệ thông tin hiện đại dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tạo động lực đột phá nâng cao hiệu quả kiểm toán".
Rút ngắn thời gian kiểm toán
Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số vấn đề. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan Trung ương và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hằng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý: “Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý”.
Bên cạnh đó, việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán đã có bước tiến đáng kể nhưng cần tiếp tục triển khai quyết liệt để rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; quản lý chặt chẽ kết quả kiểm toán, kiểm toán viên...
Công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu, quy định việc truy cập dữ liệu điện tử tại đơn vị kiểm toán.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị, Kiểm toán Nhà nước phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống.