Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đẩy mạnh giải ngân đầu tư công Rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước |
Số lượng kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng lớn
Qua công tác rà soát và phối hợp với Kiểm toán nhà nước trong việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 31/7/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 9.326 tỷ đồng.
Việc tồn tích số lượng lớn kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán nhà nước là thất thoát nguồn lực rất lớn. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Trong đó, phần lớn nội dung chưa thực hiện liên quan tới Cục Thuế Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, do nhà thầu hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên xin giãn, hoãn thực hiện kiến nghị kiểm toán… Bên cạnh đó, còn nhiều kiến nghị tồn đọng số tiền lớn chưa được thực hiện liên quan vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Giới chuyên gia nhận định, việc tồn tích số lượng lớn kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán nhà nước nếu so sánh với nguồn thu ngân sách đó là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực rất lớn.
Trước thực tế này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, trong đó giao Sở Tài chính là đầu mối tham mưu, tổng hợp chung tất cả các nội dung để báo cáo thành phố. Đồng thời thường xuyên đôn đốc các đơn vị triển khai nội dung của thực hiện kết luận kiểm toán.
Sự vào cuộc quyết liệt này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ví dụ, tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện được của thành phố là 19.983 tỷ đồng; 26 kiến nghị cơ chế, chính sách, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm. Đến thời điểm ngày 31/7/2023, các đơn vị được kiểm toán của thành phố đã triển khai thực hiện thêm được 10.579 tỷ đồng; thực hiện được 16/26 kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Đặc biệt, nhiều kiến nghị kiểm toán đã trở thành động lực thôi thúc các sở, ngành, đơn vị được kiểm toán đổi mới, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành…
Vai trò tích cực của Kiểm toán nhà nước
Những kết quả đạt được nêu trên, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của TP. Hà Nội còn có đóng góp không nhỏ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước đã đồng hành, hỗ trợ địa phương thông qua hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Qua thực tiễn quản lý địa bàn, bà Nguyễn Hồng Trang - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hoàn Kiếm cho biết, công tác kiểm toán đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Sau khi có kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, quận Hoàn Kiếm đã tích cực triển khai, đảm bảo các kiến nghị được thực thi, có hiệu lực kịp thời.
Đơn cử, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về việc bố trí ngân sách cho hợp đồng chuyên môn, từ năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã dừng việc thực hiện nghiêm, không thuê thêm hợp đồng lao động và tiết kiệm 9 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Hà Nội vẫn còn kiến nghị tồn đọng, vì thế, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan liên quan chủ động phối hợp với Kiểm toán nhà nước để tiếp tục rà soát, làm rõ và đề xuất hướng giải quyết.
Theo ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước, việc các địa phương, đơn vị, trong đó có TP. Hà Nội kiến nghị tháo gỡ đối với các kiến nghị khó thực hiện cũng là quan điểm được Tổng Kiểm toán nhà nước đặt ra, khi chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành.
Trên nguyên tắc đảm bảo các kiến nghị được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, Kiểm toán nhà nước đã quyết liệt thực hiện công tác rà soát, đôn đốc, đặc biệt là những năm gần đây. Song với những kiến nghị tồn đọng kéo dài do nguyên nhân khách quan, Kiểm toán nhà nước sẽ xem xét thấu đáo để có hướng xử lý hoặc đề xuất hướng xử lý phù hợp.
Chủ trương của Kiểm toán nhà nước hiện nay là đồng hành, hỗ trợ địa phương, đơn vị được kiểm toán, cùng hướng đến mục tiêu chung nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. |