Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 167 tỷ đồng Kiểm toán nhà nước: Cải thiện “sức khoẻ” cho doanh nghiệp |
Từ ngày 13-28/10, tại Hà Nội diễn ra hội thảo của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á năm 2023 về “Kiểm toán các Chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm sau đại dịch Covid-19”.
Hội thảo tạo cơ hội cho các SAI thành viên ASOSAI và học viên cùng chia sẻ kinh nghiệm quý trong việc ứng phó với dịch bệnh. Ảnh minh họa |
Căn cứ kết quả của Cuộc họp Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 58 trực tuyến năm 2022, Kiểm toán nhà nước Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức hội thảo này.
Hội thảo có sự tham gia của Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, các giảng viên của ASOSAI, các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên ASOSAI… sẽ mang đến những kiến thức chuyên sâu về tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi hệ thống y tế đối với việc giải quyết các mối đe dọa của bệnh truyền nhiễm; tầm quan trọng của việc nhận biết rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương của một quốc gia liên quan đến bệnh truyền nhiễm; đánh giá các chương trình y tế, chương trình bệnh truyền nhiễm ở mỗi nước…
Qua đó giúp các thành viên biết cách xác định tiêu chí, rủi ro kiểm toán, phạm vi kiểm toán, kiểm toán các mục tiêu và kỹ thuật thu thập, phân tích, lấy mẫu dữ liệu; cách xây dựng ma trận thiết kế kiểm toán; nắm bắt phương pháp trình bày những phát hiện và kết luận bằng sự trợ giúp của ma trận phát hiện kiểm toán; cách xây dựng khuyến nghị kiểm toán; chuẩn bị báo cáo kiểm toán...
Hội thảo tạo cơ hội cho các SAI thành viên ASOSAI và học viên cùng chia sẻ kinh nghiệm quý trong việc ứng phó với dịch bệnh, cũng như chia sẻ về hệ thống y tế công và kỹ năng thực hiện kiểm toán các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm sau đại dịch.
Trong giai đoạn vừa qua, các quốc gia trên thế giới đều phải trải qua giai đoạn ứng phó với đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn và để lại nhiều hậu quả nặng nề, kéo dài đối với đời sống kinh tế - xã hội tại mỗi quốc gia. Trước bối cảnh đó, các quốc gia cũng như tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực, đề ra giải pháp chống dịch, khắc phục hậu quả cũng như rút ra bài học quý báu để có thể chủ động ứng phó với thảm họa, dịch bệnh không mong muốn có thể xảy ra trong tương lai.