Phạt 12 trường hợp cho Đỗ Thành Nhân mượn tài khoản thao túng cổ phiếu Từ vụ FLC, tập trung vá 6 "lỗ hổng" quản lý nhà nước |
Sử dụng nhiều tài khoản để thao túng chứng khoán
Theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư có thể mở tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Tuy nhiên, không phải tài khoản nào cũng phát sinh giao dịch, dẫn đến tình trạng cho thuê, mượn tài khoản chứng khoán.
Kiểm soát chặt những tài khoản bất thường để chặn thao túng giá cổ phiếu (ảnh minh họa) |
Cần nhớ lại, trong tháng 11/2023, một sự kiện hy hữu xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi hàng trăm nghìn tài khoản chứng khoán biến mất vì không phát sinh giao dịch.
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 11/2023, có đến 341.393 tài khoản bị đóng lại. Số tài khoản giảm nhiều là do các công ty chứng khoán đã chủ động thực hiện rà soát và đóng các tài khoản mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch.
Theo tìm hiểu, bên cạnh việc sử dụng tài khoản cá nhân tại các công ty chứng khoán, một số đối tượng xấu còn mượn tài khoản của nhân viên, người thân để thao túng thị trường chứng khoán. Khi có trong tay có nhiều tài khoản chứng khoán, họ sẽ liên tục mua bán, làm giá cổ phiếu.
Minh chứng là thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp sử dụng thủ đoạn trên để thao túng giá cổ phiếu
Thông tin trên Cổng thông tin điện tử (ssc.gov.vn) của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tháng 1/2024, cơ quan này đã xử phạt ông Nguyễn Việt Hà (Hà Nội) với mức phạt 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch chứng khoán 2 năm do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 2/8/2021 đến ngày 28/1/2022, ông Nguyễn Việt Hà đã sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu GKM của Công ty cổ phần Khang Minh Group. Theo đó, ông Hà đã tạo cung, cầu giả để thao túng giá cổ phiếu GKM.
Trước đó, thông tin trên wesite ssc.gov.vn, ngày 8/11/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xử phạt ông Nguyễn Hữu Đức (Đà Nẵng) 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch chứng khoán 2 năm vì sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu FIR của Công ty cổ phần địa ốc First Real.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Louis Holdings, Tập đoàn FLC. Tại những vụ án này, cơ quan công an cũng xác định các đối tượng cũng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để liên tục mua bán các cổ phiếu, tạo cung cầu ảo để lôi kéo nhà đầu tư. Những vụ việc này đã để lại thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Từng bước siết chặt quản lý tài khoản chứng khoán
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến việc cho mượn và sử dụng tài khoản chứng khoán để thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tạ Thanh Thao, Giám đốc Phòng giao dịch Lê Văn Lương (Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI) cho biết, để ngăn chặn những sai phạm đáng tiếc liên quan đến tài khoản cá nhân, các công ty chứng khoán cần quản lý chặt chẽ việc mở tài khoản chứng khoán, theo đó chỉ mở cho các cá nhân có nhu cầu thực. Tài khoản không hoạt động trong thời gian nhất định thì nên đóng lại, tránh để xảy ra tình trạng cho thuê, mượn tài khoản chứng khoán.
Bộ Công an niêm phong một số tài liệu liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” tại Tập đoàn FLC (ảnh: CAND) |
Theo vị chuyên gia này, nếu trước đây, cơ quan chức năng chỉ xử phạt tình trạng người mượn tài khoản chứng khoán thì hiện nay người cho mượn tài khoản cũng sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm. Chế tài này sẽ hạn chế được việc cho mượn, thuê tài khoản chứng khoán.
Bên cạnh đó, vấn đề liên quan dấu hiệu bất thường của tài khoản giao dịch cũng cần được chú trọng. Đối với những tài khoản đặt lệnh mua bán tăng trần hay giảm sàn với khối lượng giao dịch bất thường, cơ quan quản lý cần rà soát, kiểm tra và ngăn chặn ngay nếu phát hiện sai phạm, tránh xảy ra tình trạng thao túng giá cổ phiếu.
Để tìm ra giải pháp quản lý hiệu quả về tài khoản chứng khoán, cuối năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tập trung đối soát, xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán và dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Qua đó, kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành Chứng khoán.
Điểm nhấn trong kế hoạch phối hợp trên là ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử định danh thông tin nhà đầu tư chứng khoán.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương nhận định, với kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06, các đầu mục cụ thể sẽ được chi tiết hóa, phân công đơn vị đầu mối. Theo đó, các đơn vị phối hợp và thời hạn hoàn thành cụ thể, kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành Chứng khoán.