Xử lý nghiêm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng giả kém chất lượng Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu doanh nghiệp |
Trục lợi từ hàng giả gia tăng
Câu chuyện hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh trong năm vừa qua được Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhận định có chiều hướng gia tăng bởi lợi nhuận cao.
Cụ thể các số liệu thống kê từ Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2023 qua kiểm tra lực lượng quản lý thị trường phát hiện 1.063 trường hợp có hành vi kinh doanh hàng lậu, tăng 3,4% so với năm 2022; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ phát hiện 1.593 trường hợp vi phạm (tăng 105,81%)…
Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái. |
Các mặt hàng được các đối tượng tập trung kinh doanh gồm thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử, quần áo, giày dép, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng điện gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, thuốc tân dược… Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 630 vụ, trong đó có 508 vụ vi phạm, đã tạm giữ 344.547 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.
“Việc kinh doanh, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng tinh vi và hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử và việc thuận tiện trong mua - bán online trên mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,…”- ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhận định.
Kiểm soát ra sao để bảo vệ người tiêu dùng?
Những con số trên cho thấy, việc kiểm soát xử lý vi phạm gian lận thương mại hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường truyền thống thời gian qua đã có những kết quả nhất định. Nhưng rõ ràng các đối tượng rất tinh vi liên tục thay đổi hành vi, thủ đoạn gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần và các đối tượng sẽ lợi dụng thời điểm này để tung hàng trục lợi. Điều đáng nói, với thị trường truyền thống đã khó nhưng trong những năm gần đây sự xuất hiện của hình thức kinh doanh qua thương mại điện tử, kinh doanh online, livestream bán hàng... càng khiến việc kiểm soát khó hơn.
TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa |
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ thực hiện quản lý hình thức kinh doanh thương mại điện tử bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó có các biện pháp như: Thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và kể cả các sàn giao dịch thương mại điện tử để tuyên truyền pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thương mại điện tử.
Song song đó, tích cực phối hợp với Tổ công tác về Thương mại điện tử được thành lập theo Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT ngày 28/02/2020 của Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ tra cứu các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, các website tra cứu tìm chủ tên miền và chủ động kết bạn với các đối tượng bán hàng trên zalo, facebook,.., xem các chương trình bán hàng online,… để tìm kiếm thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Riêng với việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng và để khẳng định đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Huy cho biết sẽ căn cứ vào một số nội dung như: Hàng hóa thực tế được kiểm tra có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa thể hiện thông tin như thế nào; hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hay không; hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, các giấy tờ khác có liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa theo quy định hay không.
“Từ kết quả kiểm tra thực tế các thông tin có liên quan đến hàng hóa được kiểm tra nêu trên, cơ quan Quản lý thị trường sẽ căn cứ khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2022 quy định ‘hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu’ để xác định hàng hóa kiểm tra có phải là hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo hay không”- ông Huy thông tin.
Đối với hàng không đạt chất lượng sẽ căn cứ khoản 5, khoản 11 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định “Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và Giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc - đánh giá kết quả đo, thử nghiệm”, cũng như căn cứ kết quả giám định chất lượng sản phẩm hàng hóa để kết luận hàng hóa kiểm tra có phải là hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định hay không.