Lạm phát quý I/2022 giữ mức ổn định
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê), dù lạm phát của nhiều nước trên thế giới có mức tăng mạnh, nhưng trong quý I/2022 lạm phát của Việt Nam vẫn giữ ở mức ổn định.
Cụ thể, những tháng đầu năm, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước, bao gồm cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.
CPI quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước |
“Chỉ số CPI của Mỹ tháng 2/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1/1982, còn tại Nhật Bản - là quốc gia thường xuyên có tỷ lệ lạm phát âm thì đến nay đã là tháng thứ 6 liên tiếp có chỉ số CPI tăng. Lạm phát tại Anh cũng lên mức cao nhất trong 30 năm qua” – bà Nguyễn Thu Oanh thông tin.
Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt giảm mạnh nguồn cung cho các nước châu Âu vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Cùng với đó, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì, tình trạng thiếu hụt hai mặt hàng này làm tăng giá lương thực toàn cầu và gây áp lực lạm phát trên thế giới thêm trầm trọng.
Trong bối cảnh trên, CPI quý I/2022 của Việt Nam tăng 1,92%, tuy cao hơn mức 0,29% của quý I/2021, nhưng thấp hơn quý I từ các năm 2017-2020. Mức lạm phát này cũng tương đương với mức lạm phát của một số nước trong khu vực như: Indonesia 2 tháng đầu năm CPI tăng 2,12%; Malaysia thì 2,25%…
Bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt: Thứ nhất, là do danh mục hàng hoá và dịch vụ đại diện tính trong CPI ở từng quốc gia, tập quán tiêu dùng và cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình ở mỗi quốc gia khác nhau.
Chẳng hạn, ở Mỹ và châu Âu chi tiêu cho các nhóm về nhà ở, ga, điện, giao thông, vui chơi giải trí, khí đốt chiếm tỷ trọng lớn. Còn ở Việt Nam, tỷ trọng lớn lại nằm ở lương thực, thực phẩm, chiếm khoảng 28% trong rổ hàng hoá tiêu dùng.
Nguyên nhân thứ hai là, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm của Việt Nam luôn được đảm bảo. Nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu cho lương thực thực phẩm luôn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu người dân nên giá cả luôn ổn định.
Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục giảm do một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI quý I giảm 0,23%. Giá thuê nhà quý I/2022 giảm, do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07%.
Nguyên nhân thứ ba là, thời gian qua có sự chủ động trong điều hành giá của Chính phủ. Cụ thể, để chủ động ứng phó với các thách thức áp lực về lạm phát tăng cao, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022…
Giá xăng dầu tăng sẽ tạo áp lực kiểm soát lạm phát |
Áp lực lớn cho những quý tiếp theo
Theo Tổng cục Thống kê, hiện tại mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn.
Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, bình quân quý I/2022 CPI tăng 1,92%, nhưng CPI tháng 3 năm nay tăng khá cao so với tháng trước đó (0,7%). Điều này đang đi ngược với quy luật mọi năm là tháng sau Tết Nguyên đán sẽ giảm so với tháng trong Tết. Nhưng năm nay không những không âm mà còn đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012.
Đồng thời, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và chỉ số giá nhập khẩu quý I năm nay cũng đã tăng cao nhất 10 năm trở lại đây. Áp lực lạm phát trong thời gian tới sẽ đến từ tổng cầu của thế giới và trong nước tăng mạnh.
Điều này được chứng minh qua số liệu kinh tế - xã hội quý I năm nay, trong đó, kinh tế phục hồi rõ rệt với mức tăng GDP 5,03%, cao hơn mức tăng quý I/2020; 2021 và đang có xu hướng trở về trước đại dịch. Hoạt động sản xuất tăng khá với ngành chế biến chế tạo tăng gần 7,8%; khu vực dịch vụ tăng mạnh…
Với đà tăng như vậy, cùng các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn quý tiếp theo. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống ngoài gia đình sẽ gia tăng khi đó tổng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng, đẩy giá hàng hóa lên cao.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thu Oanh, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, gần 200% so với GDP, trong bối cảnh hàng hóa thế giới tăng cao như hiện nay thì rủi ro nhập khẩu lạm là không thể tránh khỏi. Hiện giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng rất cao, thêm vào đó chiến sự Nga- Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nhất là mặt hàng xăng dầu sẽ tạo áp lực lên chi phí tiêu dùng dân cư.
“Mặt khác, dù Việt Nam là quốc gia có sự chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong CPI nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ giá của thế giới, nên áp lực lạm phát năm nay đạt được mục tiêu 4% là không đơn giản” – bà Nguyễn Thu Oanh nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Thống kê đưa ra khuyến nghị, nhằm kiểm soát lạm phát. Trong đó, một trong những giải pháp được quan tâm hàng đầu đó là, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo nguy cơ giá cả lạm phát của Việt Nam, kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào khi tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá mặt hàng do nhà nước quản lý trong thời điểm lạm phát tăng cao thì cũng nên cân nhắc.
Dù tỷ trọng của xăng dầu chiếm không cao trong rổ hàng hoá CPI, chỉ khoảng 3,6%, nhưng với tốc độ tăng cao như thời gian qua thì sẽ tạo ra áp lực rất lớn. Bởi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. |