Diễn biến vẫn phức tạp
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2017 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện, xử lý trên 5.200 vụ việc vi phạm về kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp, methanol; xử phạt trên 16,5 tỷ đồng.
Buôn bán hóa chất độc hại trên thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp |
Hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa là rượu nhập lậu; không tập huấn kỹ thuật an toàn hóa chất; không công bố tiêu chuẩn sản phẩm áp dụng; không xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; không có phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc hại theo quy định.
Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng các vụ vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Đoàn liên ngành của Bộ Công Thương đã thí điểm kiểm tra 64 hộ cá thể, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất trên địa bàn Hà Nội, kết quả kiểm tra phát hiện hầu hết các cửa hàng chưa đảm bảo yêu cầu về lưu trữ hóa chất và phòng cháy chữa cháy, vẫn còn hiện tượng hóa chất san chiết không đúng quy định tại cửa hàng, nhiều hóa chất không có nhãn mác hoặc nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, nội dung nhãn mác chưa đầy đủ…
Gần đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã phát hiện những hành vi vi phạm nghiêm trọng tại Công ty Nông dược Nhật Thành (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Tại kho chứa hàng của doanh nghiệp này không thực hiện phân khu, xắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất nguy hiểm, hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật (trên nhãn sản phẩm thuốc trừ cỏ không ghi đơn vị, địa chỉ sang chiết, đóng gói), không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, không có bảng hiệu và đèn báo tại lối thoát hiểm của kho chứa hóa chất, không có bảng nội quy về an toàn hóa chất trong nhà xưởng, kho chứa…
Công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy nhiều tiểu thương đang bán màu thực phẩm lẫn với loại màu công nghiệp vốn được dùng để tạo màu trong dệt nhuộm. Đáng nói là có nhiều trường hợp, ngay cả người bán cũng không biết loại hóa chất, phụ gia mình đang bán là loại có hại.
Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chỉ rõ, công tác quản lý kinh doanh hóa chất nhỏ, lẻ cũng gặp khó khi số lượng chủng loại hóa chất rất đa dạng, hầu hết các hóa chất đều mang tính lưỡng dụng. Nhiều hóa chất không được sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm nhưng lại cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp. Để xác định việc lạm dụng hóa chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm phải căn cứ vào kết quả thử nghiệm, kiểm định, trong khi đó phần lớn các vụ vi phạm nhỏ, lẻ, số lượng tang vật vi phạm ít, chi phí thử nghiệm cao và mất nhiều thời gian, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Công Thương đã và đang quyết liệt tăng cường kiểm soát, xử lý tình hình hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Bộ Công Thương đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn lĩnh vực hóa chất độc hại. Trước hết là bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Lực lượng QLTT tăng cường trinh sát, kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên địa bàn.
Để siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất nhỏ, lẻ, Cục Hóa chất đề xuất tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt ở cấp địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; tăng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP (ngày 9/10/2017) hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất: Hóa chất được kinh doanh phải có bao bì kín, chắc chắn và ghi nhãn đầy đủ; định kỳ hàng năm, tổ chức cá nhân phải báo cáo đầy đủ thông tin về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất… |