Giám sát trên diện rộng
Thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan chức năng vừa tổ chức buổi giám sát về ATTP tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Tại Chợ đầu mối Bình Điền, ông Tsàn A Sìn - Phó giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - cho biết, Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm và đánh giá chất lượng hàng hóa đưa vào chợ kinh doanh.
Theo ông Sìn, chợ đầu mối Bình Điền hiện có 1.847 sạp, tổng lượng hàng hóa nhập chợ đạt hơn 610.000 tấn trong 9 tháng năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng kiểm tra đã lấy 552 mẫu thực phẩm để kiểm tra và kết qủa kiểm nghiệm đều đảm bảo ATTP. Để đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối Bình Điền, ông Sìn kiến nghị với các cơ quan chức năng cần có giải pháp để giải tỏa tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ, gây mất ATTP và ảnh hưởng đến kinh doanh của tiểu thương.
Người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh ngày càng quan tâm đến ATTP khi mua sắm |
Ông Cao Văn Thành - Phó trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây (quận 6) - cho hay, Bình Tây là chợ lớn chuyên bán sỉ, các mặt hàng về chợ số lượng lớn và khá đa dạng. Thông thường, các mặt hàng kinh doanh tại chợ đều được Ban Quản lý chợ và tiểu thương giám sát chặt chẽ thông qua sổ sách, hóa đơn mua bán, đối với những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Ngoài kiểm tra sổ sách, Ban Quản lý chợ còn tăng cường giám sát và tổ chức tuyên truyền để người kinh doanh nâng cao nhận thức về ATTP, nhờ vậy tình hình vi phạm đã được giảm mạnh.
Tại chợ Bình Tiên (quận 6), hiện đã có 100% tiểu thương đều được cập nhật kiến thức về ATTP đồng thời ký cam kết bán hàng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý chợ Bình Tiên tiếp tục giám sát, tuyên truyền liên tục đến người kinh doanh về ATTP và sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm.
Không chỉ tổ chức siết chặt ở đầu nguồn, các cơ quan chức năng của thành phố còn tăng cường giám sát hoạt động chế biến, cung cấp suất ăn tại ác nhà hàng, bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp và trường học.
Cụ thể, từ ngày 6 - 9/10/2020, các cơ quan chức năng cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn về đảm bảo ATTP trong trường học năm học 2020 – 2021 tại 2.332 đơn vị gồm phòng Gáo dục và Đào tạo, trường mầm non đến phổ thông trung học trên địa bàn. Nội dung của các tập huấn về các điều kiện đảm bảo ATTP, cấp giấy chứng nhận, phân cấp quản lý, chế biến thực phẩm an toàn, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, cách vận hành hệ thống tự kiểm tra ATTP tại trường học.
Thực phẩm mất an toàn vệ sinh còn tiềm ẩn
Để các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường đảm bảo vệ sinh, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngành Công Thương thành phố đang đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại với các địa phương để tạo nguồn hàng nông sản, thực phẩm sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap nhằm đạt chuẩn ATTP khi cung cấp cho người tiêu dùng.
Theo ông Tú, hiện tại đã có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố đầu tư xây dựng 47 nhà máy, 63 trang trại nuôi trồng nông sản thực phẩm tại các địa phương là nhằm mục đích cung cấp cho người dân những loại thực phẩm sạch mang tính bền vững và lâu dài.
Thực phẩm sấy khô chỉ có giá trị khi sản phẩm đảm bảo ATTP |
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - thông tin, từ cuối năm 2016 đến tháng 9/2020, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra 17.979 cơ sở, qua đó phát hiện 2.022 cơ sở vi phạm, đã xử lý 2.007 cơ sở, tiền phạt hơn 27 tỷ đồng.
Tuy vậy, tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điều bất cập, như nguồn thực phẩm đầu vào chưa được kiểm soát hết về nguồn gốc, nhiều cơ sở vẫn chua tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh nơi sản xuất, chế biến, cách bảo quản thực phẩm…Do đó, nguy cơ mất ATTP vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong điều kiện mưa gió thất thường như hiện nay.
Để đảm bảo ATTP, theo bà Lan, ngoài tăng cường khâu giám sát của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao nhận thưc về về tác hại của việc thực phẩm mất an toàn vệ sinh, người tiêu dùng cần chọn lựa những loại thực phẩm không ôi thiu, loại bỏ những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc khi sử dụng.