Các mặt hàng sống và chín để lẫn lộn, gây nguy cơ mất ATTP |
Theo thống kê, cả nước có khoảng 8.500 chợ các loại. Công tác quản lý hàng hóa, thực phẩm... tại chợ có sự tham gia khá đông lực lượng chức năng, như: Quản lý thị trường, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, các ban quản lý chợ, cơ quan thuế, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm vẫn diễn ra thường xuyên, gây mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn sức khỏe cả người bán và người tiêu dùng.
Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia súc, gia cầm mà nhiều sản phẩm như mì chính, bột mì, hàng tạp hóa… tại các chợ cũng có nguồn gốc không rõ ràng. Điển hình tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hàng hóa như: Bánh kẹo, nấm, măng khô, hạnh nhân, gia vị… chỉ được đóng trong các bao tải, không nhãn mác. Qua tìm hiểu, được biết, phần lớn những thực phẩm này nhập từ Trung Quốc, dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng…
Các chuyên gia cho rằng, thực phẩm bẩn, không an toàn với nhiều chất có hại không chỉ gây ngộ độc cấp tính khi ăn nhiều mà còn gây ngộ độc mạn tính. Khi sử dụng nhiều hoặc trong thời gian dài, những chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn tới các tổn thương, gây bệnh tật hoặc ung thư.
Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSTP, đặc biệt trước tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn vẫn diễn biến phức tạp, ông Đặng Công Hiến - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về ATVSTP nhằm tạo điều kiện để hoạt động quản lý về ATVSTP tại các chợ được tốt hơn. Theo đó, phải rà soát các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến, quy định về ghi nhãn chi tiết đối với thực phẩm bao gói sẵn để có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển, công nghệ bảo quản đối với từng nhóm thực phẩm có nguy cơ cao được bán phổ biến trên các chợ như thịt, cá, sữa, rau, quả… Ngoài ra, cần kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý ATVSTP tại các chợ; tăng cường chất lượng hệ thống kiểm nghiệm ATVSTP nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế...
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý phải chú trọng kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa vào chợ, đặc biệt với động vật sống và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, rau, củ, qủa.
Nhằm phát triển mạng lưới chợ đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm ATVSTP, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cả nước. Cụ thể, từ năm 2020 - 2025, cả nước sẽ có 78 chợ đầu mối đạt chuẩn; 304 chợ hạng 1 đạt chuẩn… |