Công cụ để kiểm định chất lượng (KĐCL) cơ sở giáo dục đại học là Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 06/VBHN-BGDĐT ngày 4/3/2014. Để đạt tiêu chuẩn KĐCL, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải đạt tối thiểu 49/61 tiêu chí (xấp xỉ 80,33% tổng số tiêu chí) và số tiêu chí tối đa chưa đạt yêu cầu được phép là 12/61 tiêu chí. Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có 117 cơ sở GDĐH đạt công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, tuy nhiên qua đánh giá cho thấy bức tranh chung mỗi trường có từ 5-12 tiêu chí chưa đạt yêu cầu.
PGS. TS Mai văn Trinh – Cục Trưởng cục quản lý chất lượng- Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị |
Theo đó, liên quan đến chương trình đào tạo thì có tiêu chuẩn 3,4 và tiêu chuẩn 5 liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên và qua đánh giá của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho thấy có tới 65% cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu của tiêu chí (TC) 3.6 và 43,6% không đạt TC3.2. 43,6% cũng là tỷ lệ của các cơ sở GDĐH không đạt TC 4.4 và 33,3% không đạt TC 4.7. Trong khi đó với tiêu chuẩn 5 thì có đến 35,9% cơ sở GDĐH không đạt TC5.4, TC5.5 có 53,8% và TC 5.6 là 43,6% và TC 5.7 là 26,5% cơ sở GDĐH chưa đạt yêu cầu. Như vậy tiêu chuẩn 5 có 8 tiêu chí nhưng có tới 4 tiêu chí (chiếm 50%) là từ 26,5% đến 53,8% cơ sở GDĐH mặc dù đạt yêu cầu KĐCL nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của các tiêu chí này.
Lý giải về vấn đề này PGS.TS. Nguyễn Phương Nga – Trung tâm KĐCLGD, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Ví dụ đối với “chuẩn đầu ra” của chương trình đào tạo chúng ta vẫn còn phân biệt giữa hình thức đào tạo chính quy và đào tạo vừa học vừa làm, chuẩn đầu ra chưa đảm bảo đo lường và đánh giá và chưa công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở GDĐH. Chúng ta không có sự chia sẻ thông tin giữa các cơ sở đào tạo về chương trình đào tạo. Đối với TC 3.6 đây là tiêu chí có tỷ lệ các trường cao nhất không đạt yêu cầu- lên đến 65% thì nguyên nhân chính là các chương trình đào tạo đã có sinh viên tốt nghiệp chưa thực hiện tự đánh giá chất lượng cũng như chưa đưa ra các biện pháp cải tiến chất lượng trên cơ sở kết quả tự đánh giá…”.
Hay như TC 5.4 yêu cầu: “Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao”, lý do chính 35,9% số cơ sở GDĐH đã KĐCL nhưng chưa đạt yêu cầu là do một số cán bộ quản lý của các cơ sở không đủ tiêu chuẩn về trình độ học vị theo quy định để đảm nhiệm công tác quản lý, bên cạnh đó chúng ta cũng chưa có bộ chỉ số riêng để đánh giá cán bộ quản lý.
Kết quả kiểm định đã phản ánh khách quan, cụ thể những điểm mạnh, điểm yếu của giáo dục đại học. Tuy nhiên để các cơ sở đáp ứng được các tiêu chí trên, cũng theo PGS.TS. Nguyễn Phương Nga thì việc đánh giá giữa kỳ sẽ giúp các cơ sở GDĐH phải có giải pháp khắc phục các tồn tại, các cơ sở này bắt buộc phải có báo cáo tự đánh giá giữa chu kỳ KĐCLGD về việc nhà trường đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế được đoàn đánh giá ngoài chỉ ra trong báo cáo đánh giá ngoài cũng như trong các nghị quyết của các hội đồng KĐCLGD.
Nói về ý nghĩa mà hội thảo mang lại TS.Trương Huy Hoàng – Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực cho biết: “Trường đại học Điện lực đã được cấp chứng nhận KĐCL năm 2018 và hiện nay đã tiến hành tự đánh giá cho hầu hết các chương trình đào tạo và đang chuẩn bị cho việc đánh giá ngoài các chương trình đào tạo. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng gặp một số vướng mắc, vì vậy hội thảo này sẽ giúp cho không chỉ Trường đại học Điện lực mà còn các trường đại học khác có thêm nhiều thông tin hướng đi để hoàn thiện việc tự đánh giá và đánh giá ngoài các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn KĐCL”.
Tại hội thảo đại diện nhiều trường đại học cũng đặt ra các câu hỏi, vướng mắc mà đơn vị mình gặp phải trong quá trình triển khai tự đánh giá. Phía đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã giải đáp và hỗ trợ những thông tin cần thiết cho các cơ sở đào tạo GDĐH.