Chủ nhật 11/05/2025 13:18
Hướng tới phát triển nền kinh tế xanh

Khuyến khích bằng cơ chế tài chính

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, trong đó, phải kể đến chính sách tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, sản xuất theo hướng sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất.
Dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ tinh bột sắn của FOCOCEV Quảng Nam

Nguồn vốn phát huy hiệu quả

Với mức lãi suất cho vay từ 2,6 - 3,6%/năm, thời hạn cho vay không quá 10 năm và mức hỗ trợ cho vay không vượt quá 70% trên tổng mức đầu tư dự án, các nguồn vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) Việt Nam đang thật sự hấp dẫn đối với DN có nhu cầu đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng công trình xử lý môi trường. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, quỹ đã mở rộng lĩnh vực ưu tiên cho vay từ 5 lên 8 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư BVMT cho nhiều đối tượng khách hàng. Các điều kiện về bảo đảm tiền vay, thời gian, quy trình và các thủ tục cho vay cũng được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho DN dễ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 15 năm qua (2003 - 2018), Quỹ BVMT Việt Nam đã cho 248 dự án môi trường vay vốn với tổng số tiền ký kết cho vay hơn 2.200 tỷ đồng. Quỹ đã tiếp nhận 189 đơn vị ký quỹ, với 259 dự án và tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng; thực hiện nhiệm vụ trợ giá điện gió Dự án "Đầu tư xây dựng công trình phong điện 1 - Bình Thuận" với số tiền 234 tỷ đồng…

Đa dạng các nguồn "tín dụng xanh"

Cùng với Quỹ BVMT Việt Nam, tại nhiều địa phương, Quỹ BVMT cũng được triển khai hoạt động rộng khắp với lãi suất ưu đãi, lĩnh vực hỗ trợ chủ yếu là các dự án, công trình xử lý ô nhiễm khí thải, nước thải công nghiệp, sản xuất năng lượng tái tạo… Tùy vào điều kiện và đặc điểm của từng địa phương, mức lãi suất cho vay, thời gian cho vay vốn khác nhau. Điển hình, mức lãi suất cho vay thấp nhất là 3,8%/năm tại Quỹ BVMT tỉnh Bình Định; mức lãi suất cho vay cao nhất là 5,4%/năm tại Quỹ BVMT tỉnh Thái Nguyên. Thời hạn cho vay trung bình từ 3 -5 năm, có địa phương tối đa cho vay tới 10 năm. Mức vốn cho vay thấp nhất 300 triệu đồng/công trình, dự án (Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn...), cao nhất là 18 tỷ đồng (Quỹ BVMT Tây Ninh cho Dự án Nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Tân Hội 1).

Cùng với các nguồn lực trong nước, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng tham gia hỗ trợ Việt Nam trong việc hình thành thị trường "tín dụng xanh" nhằm đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, giúp DN nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong sản xuất thông qua đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn, bảo đảm các sản phẩm sản xuất ra hướng đến phát triển và tiêu dùng bền vững.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang triển khai Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam cùng với các đối tác đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)…, xây dựng nguồn "tín dụng xanh" với tổng nguồn vốn 50 triệu USD nhằm cải thiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp. Các DN tham gia được áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn so với mức lãi suất cho vay thương mại thông thường và được tham gia Chương trình Tài chính carbon của dự án, mang lại nguồn thu hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, một nguồn "tín dụng xanh" khác cũng đang được Cơ quan Phát triển (AFD) triển khai, hiện AFD đang trong quá trình thương thảo với các đối tác tài chính nhằm giải ngân hiệu quả nguồn tài chính này và đối tượng thụ hưởng cuối cùng là DN. Các dự án vay vốn từ "tín dụng xanh" sẽ phải 100% tương thích với Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015, trong đó, lĩnh vực chuyển dịch năng lượng sinh thái là một trong những ưu tiên lớn của nguồn "tín dụng xanh" này.

Các nguồn tài chính đa dạng được xem là "cái phao" của nhiều DN có nhu cầu vay vốn phục vụ những dự án cải thiện môi trường, hướng đến sản xuất sạch hơn.
Thu Hường